Nhiều hồ đập 'quên' kiểm định an toàn

Nhiều hồ chứa nước ở Thừa Thiên - Huế được xây dựng cách đây hơn 30 năm đã xuống cấp và nằm gần khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ

Từ ngày 13-10 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tiếp có mưa lớn, nhiều hồ chứa tại địa phương này nước đã đầy theo dung tích thiết kế. Hiện nay vẫn còn một số đập, hồ chứa nước thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng từ lâu chưa được bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Nhiều nơi cần sửa chữa, gia cố

Trước mùa mưa bão năm 2023, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 55 đập, hồ chứa nước. Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết kết quả kiểm tra cho thấy có 5 đập bị thấm nhẹ, 5 đập biến dạng mái đập nhẹ như hư hỏng, sạt lở, trượt mái thượng.

Kiểm tra tràn xả lũ, hội đồng đánh giá có 7 đập bị nứt nhẹ; 17 đập bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng, trong đó có 5 tràn bị nặng.

Đặc biệt, hồ A Lá nằm ở xã A Ngo, huyện miền núi A Lưới là 1 trong 8 hồ thủy lợi loại lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế là đáng quan tâm. Đây là hồ được xây dựng từ lâu. Trận mưa lũ vào tháng 10-2020 đã khiến vị trí gần tràn xả lũ của hồ A Lá bị sạt lở khoảng 200 m3 đất. Ngay sau sự cố xảy ra, đơn vị quản lý, vận hành hồ A Lá đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp. Từ đó đến nay, theo quy định, hồ thủy lợi này phải kiểm định an toàn hồ, đập nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Ngoài ra, hồ chưa xây dựng được quy trình vận hành hồ chứa, quy trình bảo trì, lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình… đã thực sự khiến nhiều người lo lắng.

Hồ A Lá ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) chưa được kiểm định an toàn hồ đập

Hồ A Lá ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) chưa được kiểm định an toàn hồ đập

Tương tự, từ kết quả kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý công tác ứng phó thiên tai tại 12 nhà máy thủy điện đang vận hành ở tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2023, Sở Công Thương tỉnh này yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy điện Thượng Lộ, chủ đầu tư thủy điện Thượng Lộ (huyện Nam Đông) phải tiếp tục theo dõi hiện tượng thấm phía tiếp giáp đập dâng bờ trái, bờ phải đập, thấm qua thân đập để có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn đập.

Tại thủy điện Sông Bồ (huyện A Lưới) và thủy điện Thượng Nhật (Nam Đông) cũng có hiện tượng thấm phía vai trái. Vì vậy, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị 2 chủ đập tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn quan trắc, đánh giá theo dõi để có phương án xử lý, bảo đảm an toàn đập.

Kiến nghị hỗ trợ kinh phí

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Nghị định 114/2018/NĐ-CP về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước quy định định kỳ 5 năm phải thực hiện kiểm định để phát hiện ẩn họa, khuyết tật công trình; đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, tài liệu khí tượng thủy văn và thay đổi về lưu vực đã được cập nhật.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2% số hồ được kiểm định theo quy định, gồm hồ Truồi, Thủy Yên, Khe Ngang, Hoàn Mỹ. Ngoài ra, chưa có hồ nào được lập quy trình vận hành cửa van và chỉ có 7% được cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên, theo ông Đức là do đa số các hồ chứa nước thủy lợi ở địa phương này đã được đầu tư xây dựng từ lâu, qua nhiều giai đoạn quản lý khai thác dẫn đến thất lạc hồ sơ, gây khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ quản lý đập, hồ chứa nước. Kế đến, việc kiểm định an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, cắm mốc hành lang bảo vệ... cần có kinh phí lớn để triển khai. "Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình Thủ tướng, các bộ, ngành trung ương hỗ trợ khoảng 245 tỉ đồng để thực hiện các dự án nâng cao an toàn đập, hồ chứa nước còn lại trên địa bàn tỉnh" - ông Đức kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác đầu tư dự án hồ chứa Thủy Cam, hồ Ô Lâu Thượng và sửa chữa đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long giữa sông Hương với phá Tam Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh việc đầu tư, sửa chữa các dự án hồ, đập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế rất cần thiết và cấp bách. Vì vậy, ông Hiệp đề nghị tỉnh này khẩn trương giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực hiện dự án, nhằm bảo đảm việc đầu tư công trình mang lại hiệu quả thiết thực, đồng bộ.

Đập Thảo Long (Thừa Thiên - Huế) đang xuống cấp và đã có dự án sửa chữa

Đập Thảo Long (Thừa Thiên - Huế) đang xuống cấp và đã có dự án sửa chữa

Quảng Nam - Quảng Ngãi: Khẩn trương gia cố hồ đập

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã lên phương án ứng phó thiên tai đối với các công trình thủy trên địa bàn. Về lâu dài, để bảo đảm an toàn công trình trong những mùa mưa lũ, cần phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt là các tuyến kênh đất thường xuyên bị sạt lở mái, bị bồi lấp do mưa lũ cần phải được kiên cố hóa.

Nhằm bảo đảm an toàn các đập, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị Cục Thủy lợi tham mưu Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư sửa chữa nâng cấp bảo đảm an toàn phần công trình đầu mối của 5 hồ bị hư hỏng, xuống cấp gồm Vũng Tôm, Bà Xá, Cửu Kiến, Ồ Ồ, Cây Xoay vào danh mục công trình cần nâng cấp sửa chữa để bảo đảm an toàn hồ chứa nước trong thời gian tới với tổng kinh phí dự kiến 85 tỉ đồng; quan tâm hỗ trợ kinh phí để lắp đặt các hệ thống giám sát vận hành, thiết bị quan trắc của các hồ trên địa bàn tỉnh.

T.Trực - Tr.Thường

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-ho-dap-quen-kiem-dinh-an-toan-20231017194350112.htm