Nhiều hộ kinh doanh trả mặt bằng, chấp nhận mất tiền cọc
Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều hộ kinh doanh các cửa hàng ăn uống, quần áo... ở TPHCM đang vắng khách, nguy cơ đóng cửa.
Giá thuê mặt bằng cao, một số nơi chủ mặt bằng còn đòi tăng giá thuê sau Tết khiến nhiều hộ kinh doanh tính đến chuyện đóng cửa hàng.
Những ngày này, hàng loạt cửa hàng dọc tuyến đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TPHCM đóng cửa, treo bảng cho thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, một số cửa hiệu mở cửa thì treo bảng “đại hạ giá”. Theo một số người thuê cửa hàng thì từ khi xảy ra dịch Covid-19, khách đến mua hàng giảm mạnh, khiến việc kinh doanh bị xáo trộn.
Chị Lê Bảo Anh, chủ cửa hiệu thời trang Thai Balo (tại địa chỉ 299, Võ Văn Ngân) cho biết, so với trước Tết thì doanh số của cửa hàng giảm khoảng 80%, để cầm cự chị phải liên tục xả hàng để hút khách.
“Mình vừa sửa mặt bằng, sửa xong bán được một mùa Tết thì chủ nhà báo đòi tăng giá thuê mặt bằng. Với giá chủ nhà yêu cầu thì mình không thuê được, nên hôm Tết là mình đã xả hàng một lần, còn bây giờ mình xả hết 70.000 đồng/cái. Mình xả giá đó vì mình không có chỗ cất và không làm ngành này nữa” - chị Anh nói.
Trước thực trạng sụt giảm doanh thu vì ảnh hưởng của Covid-19, nhiều khách thuê đã chủ động đề nghị chủ mặt bằng hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn, nhưng đa phần chưa được đáp ứng, thậm chí nhiều nơi còn đòi tăng giá thuê so với trước Tết. Chính bởi vậy, không ít chủ cửa hàng trả mặt bằng trước thời hạn, bất chấp mất khoản tiền cọc không nhỏ.
Chị Nguyễn Hoàng Phi Loan chủ một nhà hàng trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp cho biết: “Chủ nhà đòi lên giá từ 70 triệu đồng/tháng lên gần 100 triệu đồng/tháng. Với tình hình dịch bệnh như thế này, việc kinh doanh không có khách hàng nên em không thuê nữa”.
Tình trạng khó khăn hiện nay, nhiều hộ kinh doanh tìm hướng đi mới để thích ứng với tình trạng sụt giảm doanh số do tác động của dịch Covid-19 gây ra.
Anh Bùi Song Hỷ, chủ quán ăn trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh cho biết, từ Tết Nguyên đán đến nay khách hàng đến ăn tại quán giảm hơn 50% so với trước đây. Quán tìm hướng đi mới là nhận đặt hàng thông qua mạng xã hội và website của quán nên doanh số tuy bị giảm nhiều nhưng cũng đủ để duy trì, chưa phải bù lỗ,
“Người ta ngại đi, người ta ngại tụ tập đông thì mình hỗ trợ cho khách hàng mua về thông qua việc tính tỉ lệ chiết khấu bằng tiền đặt Grab, Goviet… để đẩy doanh số. Khách hàng mua 3 phần trở lên mình chiết khấu 10%, từ 10 phần trở lên mình chiết khấu 15% qua đó để tạo việc làm cho công nhân. Tính ra thì bây giờ cũng chỉ đủ trả tiền cho công nhân, duy trì quán” - anh Hỷ nói./.