Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Lai Châu
Từ ngày 29 đến 5-10, tại tỉnh Lai Châu đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh (28-6-1909/28-6-2019); 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10-10-1949/10-10-2019) và 15 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (1-1-2004/ 1-1-2019).
Đây là sự kiện chính trị lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, nhằm ôn lại truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, sau 15 năm chia tách, thành lập, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém; tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp vừa mới, vừa yếu, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết và nội lực vốn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2015, Lai Châu thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Nổi bật là kinh tế có sự tăng trưởng khá với tốc độ bình quân giai đoạn 2004-2008 đạt 11,75%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (Năm 2004: Nông, lâm nghiệp 49,7%; công nghiệp và xây dựng 22,7%; dịch vụ 27,6%. Năm 2018, nông, lâm nghiệp chiếm 15,63%; công nghiệp, xây dựng 49,04%; dịch vụ và thuế nhập khẩu 35,33%). Tính đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 34 triệu đồng/người/năm, tăng 13 lần so với năm 2004; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng 62,4 lần. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 29/96 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, có điện lưới quốc gia.
Tỉnh Lai Châu cũng đã xây dựng được 2 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 trung tâm chuyên khoa; 81/94 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế… Lai Châu hiện có 421 bác sĩ, đạt 9,23 bác sĩ/1 vạn dân, tăng 6,67 bác sĩ/1 vạn dân so với năm 2004. Tỉ lệ hộ nghèo ở Lai Châu cũng giảm nhanh, xuống còn 25,4% năm 2018; trong đó có 2 huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, Lai Châu đã đưa vào vận hành các công trình trọng điểm như: Thủy điện Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh.
Đặc biệt, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của Lai Châu luôn được củng cố và giữ vững, trật tự xã hội được bảo đảm; tuyến biên giới Việt-Trung ổn định, tạo môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển.
Ngoài ra, những năm gần đây, Lai Châu cũng đã triển khai đưa vào khai thác hiệu quả một số điểm du lịch trên địa bàn, như: Khu du lịch Phiêng Tiên, động Tiên Sơn, bản du lịch công cộng Sì Thâu Chải (Tam Đường); Cao nguyên Dào San, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Pu Ta Leng, (Phong Thổ); Cao nguyên Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ; quần thể hang động Pu Sam Cáp (Sìn Hồ)…
Những ngày qua, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh, 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ và 15 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra các hoạt động: Dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc tỉnh Lai Châu; viếng nghĩa trang liệt sĩ; khai mạc Hội chợ thương mại; Triển lãm ảnh “Lai Châu trên con đường phát triển”; khánh thành và gắn biển công trình Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn; biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ trên địa bàn tỉnh, với sự tham gia của các đơn vị: Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lai Châu; Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, Quân khu 1, Quân khu 2 … Ngoài ra, Lai Châu còn phát động trong toàn tỉnh Cuộc thi tìm hiểu 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 15 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai châu; tổ chức Hội thảo khoa học: “Đảng bộ tỉnh Lai Châu 70 năm xây dựng, trưởng thành- Những vấn đề thực tiễn và lý luận”, thu hút hàng vạn người tham gia.