Nhiều hoạt động đặc sắc dịp Tết Nguyên tiêu ở Hội An
Tết Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025 tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) diễn ra từ ngày 11-13/2 với nhiều hoạt động đặc sắc, hứa hẹn thu hút đông đảo người dân và du khách.
Ngày 11/2, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, kỷ niệm 2 năm được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, dịp Tết Nguyên tiêu năm Ất Tỵ này, thành phố Hội An tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc, hứa hẹn thu hút đông đảo người dân và du khách.
Các hoạt động cụ thể gồm: Đêm thơ Nguyên tiêu, Đêm phố cổ, lễ cúng Nguyên tiêu và Tiền hiền tại các hội quán, đình, miếu… nhằm gìn giữ, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của cư dân địa phương và các khu vực.
Tại di tích Chùa Ông (Quan Công miếu) sẽ mở cửa để người dân và du khách đến dâng hương cầu phước lành may mắn đầu năm vào lúc 3h00 đến 17h00 ngày 16 tháng Giêng Ất Tỵ (nhằm ngày 13/2/2025)…
Ngoài những phần lễ tục tín ngưỡng dân gian, Tết Nguyên tiêu ở Hội An có sự đa dạng các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ như diễn xướng múa Thiên cẩu, múa lân, hát, múa nhạc Trung Hoa, trang trí lồng đèn, thả hoa đăng…Đây là những tục lệ có từ lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An trong lịch sử và được duy trì cho đến nay.
![Tết Nguyên tiêu ở Hội An có sự đa dạng các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ như diễn xướng múa Thiên cẩu, múa lân, hát, múa nhạc Trung Hoa, trang trí lồng đèn, thả hoa đăng…](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_101_51447899/147aa78e92c07b9e22d1.jpg)
Tết Nguyên tiêu ở Hội An có sự đa dạng các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ như diễn xướng múa Thiên cẩu, múa lân, hát, múa nhạc Trung Hoa, trang trí lồng đèn, thả hoa đăng…
Tết Nguyên tiêu còn gọi là tết Thượng nguyên. Theo quan niệm dân gian, Tết Nguyên tiêu (Thượng nguyên) là ngày "Thiên quan Tứ phước", tức ngày các quan trời ban bố phước lành cho khắp cả nhân gian. Vì vậy từ xa xưa, ngay sau ngày Khai hạ mồng 7 tháng Giêng, người Việt lại chuẩn bị tổ chức cúng tế cầu an, cầu may mắn, phước lành, thịnh vượng trong cả một năm, đồng thời mở hội vui chơi trước khi bước vào công việc của năm mới với ước vọng mọi việc hanh thông, như ý, phát triển.
Ở Hội An, cứ sau ngày Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng), người dân lại nô nức chuẩn bị Tết Nguyên tiêu. Đây là lễ tết có từ lâu đời của cư dân Hội An và mang những giá trị văn hóa, những nét đặc trưng riêng so với nhiều nơi ở Việt Nam và châu Á do được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa và có sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các nước Trung Hoa, Nhật Bản qua nhiều giai đoạn tại thương cảng quốc tế Hội An. Vào dịp Tết Nguyên tiêu, các đình làng, chùa chiền và hội quán đều tổ chức cúng tế long trọng, giăng đèn kết hoa rực rỡ, không khí chuẩn bị nhộn nhịp vui tươi chẳng khác gì những ngày giáp Tết Nguyên đán.
Tết Nguyên tiêu có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An từ trong lịch sử cho đến hiện nay trên nhiều phương diện, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cố kết cộng đồng, vừa vui chơi giải trí và tạo môi trường để cá nhân và cộng đồng sáng tạo nên những giá trị về văn hóa, nghệ thuật và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Trải qua quá trình hình thành, nuôi dưỡng và phát triển, hiện nay Tết Nguyên tiêu ở Hội An được duy trì tổ chức theo định kỳ hàng năm và vẫn giữ được những giá trị đặc sắc riêng có. Đây là một trong những lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An có tác động lớn và sâu sắc đến đời sống văn hóa của cộng đồng và được cả cộng đồng trân trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy tích cực. Qua đó, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc nói chung, của Hội An, Quảng Nam nói riêng.
Theo Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhằm tôn vinh những giá trị Tết Nguyên tiêu ở Hội An, góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc, ngày 2/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định ghi danh Tết Nguyên tiêu ở Hội An, Quảng Nam vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống và Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Sự ghi nhận của Nhà nước đối với di sản này là niềm vui, niềm tự hào và vinh dự to lớn của Nhân dân thành phố Hội An, đồng thời qua đó cũng gửi gắm thông điệp về trách nhiệm chung của cộng động trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này.