Nhiều hoạt động kết nối thương mại và dịch vụ trong Tuần lễ Malaysia Madani tại TP HCM
Để đánh dấu sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Việt Nam,Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP HCM sẽ tổ chức 'Tuần lễ Malaysia Madani' từ ngày 9/6 đến ngày 18/6.
Malaysia là một trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương tăng đều qua các năm. Năm 2022, thương mại hai chiều đạt gần 14,8 tỷ USD, riêng 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại đạt hơn 4 tỷ USD, trong đó hàng Việt Nam xuất sang Malaysia xấp xỉ 1,7 tỷ USD và ở chiều ngược lại hàng hóa nhập về đạt gần 2,4 tỷ USD.
Việt Nam và Malaysia đều coi trọng việc tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại theo hướng phát triển cân bằng và bền vững, nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 18 tỷ USD vào năm 2025. Hiện nay cả hai quốc gia đều mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của nhau, bao gồm các mặt hàng nông sản và thủy sản, các sản phẩm Halal, thực phẩm chế biến, linh kiện và thành phẩm điện tử...
Malaysia nằm trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 13,08 tỷ USD. Các doanh nghiệp Malaysia ngày càng tham gia đầu tư nhiều và hiệu quả tại Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, công nghệ cao, kinh tế số, chuyển đổi số và đô thị thông minh…
Năm 2023, đánh dấu chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Việt Nam. “Tuần lễ Malaysia Madani” sẽ diễn ra tại TP HCM từ ngày 9/6 đến ngày 18/6 là một trong những hoạt động chào mừng sự kiện này, do Tổng Lãnh sự quán Malaysia tổ chức với nhiều hoạt động nhằm thắt chặt quan hệ, giao lưu nhân dân giữa hai nước, đồng thời kết nối giao thương, thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia.
"Từ chủ trương của Chính phủ, giao lưu nhân dân ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực góp phần giúp sự hiểu biết và gắn bó ngày càng sâu sắc.
Hiện nay, hàng nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Malaysia và ngược lại chính là cầu nối gắn kết nhân dân hai nước".
Bà Wong Chia Chiann, Tổng lãnh sự Malaysia tại TP HCM
Chia sẻ với Tạp chí Mekong – ASEAN, bà Wong Chia Chiann, Tổng lãnh sự Malaysia tại TP HCM cho biết, Malaysia và Việt Nam đã có mối quan hệ hữu nghị nồng ấm và thân mật trên cơ sở hợp tác rộng rãi, thực chất và cùng có lợi kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/3/1973.
Quan hệ song phương được nâng tầm thành quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 8/2015, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và toàn diện giữa hai nước.
Đối với Malaysia, Việt Nam tiếp tục là láng giềng và đối tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại, đầu tư, tài chính, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa và du lịch.
Chính phủ hai nước đã thiết lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ (JCM) và Ủy ban hỗn hợp Thương mại (JTC) để hỗ trợ sự hợp tác đi vào thực chất và ngày càng sâu sắc hơn. Cả hai bên đang thực hiện Kế hoạch Hành động cho giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, đồng thời cam kết đạt được các mục tiêu nêu trong Kế hoạch Hành động này.
Mekong – ASEAN: Từ “Madani” trong cụm từ “Malaysia Madani Week” có nghĩa là gì, thưa bà?
Bà Wong Chia Chiann: “Madani” trong tiếng Malaysia có nghĩa là “nền văn minh”. Malaysia Madani là ý tưởng của Thủ tướng đương nhiệm Dato' Seri Anwar Ibrahim của chúng tôi. Đây là một khung chính sách bao gồm 6 giá trị cốt lõi: tính bền vững, sự quan tâm và lòng trắc ẩn, sự tôn trọng, sự đổi mới, thịnh vượng và niềm tin.
Tuần lễ Malaysia Madani tổ chức tại TP HCM nhằm giới thiệu tới người dân Việt Nam những giá trị cốt lõi thông qua các thương hiệu và biểu trưng văn hóa dân tộc. Qua đó người Việt Nam không chỉ được thưởng thức mà còn có dịp trải nghiệm nền văn hóa đặc sắc của Malaysia.
Chúng tôi hy vọng thông qua Tuần lễ Malaysia Madani, nhân dân hai nước có thể hiểu rõ hơn về nhau trên nhiều phương diện như thương mại, giáo dục, văn hóa và du lịch.
Mekong – ASEAN: Bà có thể giới thiệu về chuỗi hoạt động, sự kiện được tổ chức trong tuần lễ này?
Bà Wong Chia Chiann: Năm nay sẽ diễn ra một chuỗi hoạt động kỷ niệm, trong đó nổi bật là Triển lãm Malaysia Madani (Malaysia Madani Pavilion), Ngày hội giáo dục Malaysia (Malaysia Education Fair), Quảng bá ẩm thực và văn hóa (Food and Cultural Promotion) tại một số khách sạn ở TP HCM.
Tại Tuần lễ Malaysia Madani, lần đầu tiên chúng tôi kết hợp các thương hiệu Malaysia trong các lĩnh vực từ thương mại, giáo dục, du lịch và văn hóa.
Triển lãm Malaysia Madani diễn ra từ ngày 9/6-11/6, quy tụ hơn 30 thương hiệu và trường đại học từ Malaysia. Triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và mạng lưới kinh doanh liên ngành bao gồm các sản phẩm dầu mỏ, xây dựng, lối sống, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng và khách sạn, giáo dục.
Trong thời gian đó, Tổng Lãnh sự quán phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) của TP HCM và Thương vụ Malaysia (MATRADE) tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư giúp các doanh nghiệp Malaysia hiểu rõ hơn về các quy định và môi trường kinh doanh tại địa phương. Chúng tôi phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM (HUFO) và Hội hữu nghị Việt Nam - ASEAN (VAFA) tổ chức buổi kết nối doanh nghiệp Malaysia và Việt Nam.
Triển lãm Giáo dục Malaysia có sự tham gia của các cán bộ từ Trung tâm Dịch vụ Giáo dục Toàn cầu Malaysia (EMGS) và đại diện 12 trường đại học công lập, tư thục Malaysia. Tại đây cũng sẽ có Hội chợ Giáo dục Malaysia giới thiệu đầy đủ thông tin tới các sinh viên Việt Nam quan tâm đến việc học tập tại Malaysia.
Ngày 10/6 tại IDECAF còn có buổi Talk Show do Giám đốc điều hành của EMGS thực hiện để cung cấp thông tin về cơ hội nghiên cứu chuyên sâu ở Malaysia.
Cũng nhân dịp này, Tổng Lãnh sự quán phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng Kiến thức Ngoại giao và Ngoại ngữ – CEFALT khai trương “Phòng học Malaysia”. Tại đây, đại diện các trường đại học Malaysia và Việt Nam có thể gặp nhau thảo luận về các cơ hội hợp tác.
Chúng tôi cũng sẽ tổ chức chương trình quảng bá văn hóa và ẩm thực với các đầu bếp đặc biệt đến từ Malaysia tại nhiều khách sạn ở Sài Gòn như Hotel De Art Saigon, Sofitel Saigon Plaza, Pullman Saigon, Sheraton Saigon
Đặc biệt, ngày 13/6, Lễ Kỷ niệm 50 năm Quan hệ Song phương Việt Nam – Malaysia sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn TP HCM và ngày 15/6, một lễ kỷ niệm tương tự được tiến hành tại tỉnh Đồng Nai.
Mekong – ASEAN: Theo bà, Việt Nam và Malaysia có những lĩnh vực, sản phẩm tiềm năng nào mà chúng ta chưa khai thác?
Bà Wong Chia Chiann: Theo tôi, các lĩnh vực tiềm năng khác mà cả hai quốc gia vẫn chưa khai thác hết có thể kể đến các ngành nông nghiệp và công nghiệp Halal. Cả hai quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau.
Malaysia là một trong những trung tâm Halal hàng đầu thế giới và đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp Halal. Malaysia đã phát triển ngành công nghiệp này một cách có hệ thống. Hàng năm, chúng tôi tổ chức sự kiện giới thiệu về thực phẩm Halal mang tên “Malaysia International Halal Showcase (MIHAS) tại thủ đô Kuala Lumpur. Năm nay, MIHAS sẽ được tổ chức từ ngày 12–15/9.
Tiêu chuẩn Halal của Malaysia được sử dụng rộng rãi bởi các công ty đa quốc gia nổi tiếng toàn cầu. Đây là một lĩnh vực mà Malaysia có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Mặt khác, Malaysia có thể học hỏi từ Việt Nam về cải tiến kỹ thuật nông nghiệp và bí quyết mới nhất. Ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển rất ấn tượng và chúng ta có thể hợp tác, khám phá các cơ hội đôi bên cùng có lợi.
Mekong – ASEAN: Về lĩnh vực giáo dục và du lịch, Malaysia đang có chiến lược như thế nào để phục hồi sau hậu Covid-19 là gì, thưa bà?
Bà Wong Chia Chiann: Cảm ơn bạn cho câu hỏi quan trọng này. Phải nói rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực giáo dục và du lịch, đặc biệt là các tuyến du lịch đến Malaysia.
Đối với lĩnh vực giáo dục, Chính phủ đặt mục tiêu đưa Malaysia trở thành trung tâm giáo dục quốc tế, thu hút sự dịch chuyển của sinh viên nước ngoài đến đất nước này.
Theo đó, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp nhằm quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học với hy vọng quá trình này sẽ giúp ngành giáo dục năng động hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế thế giới dựa trên tri thức. Trung tâm Dịch vụ Giáo dục Toàn cầu Malaysia (EMGS), được thành lập năm 2012, chính là để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu.
Mặt khác, Chính phủ cũng khuyến khích các trường đại học nước ngoài thành lập cơ sở, chi nhánh tại Malaysia. Chúng tôi cũng xây dựng các Chương trình giáo dục xuyên quốc gia (TNE) với sự hợp tác giữa các tổ chức giáo dục đại học quốc tế với đối tác là nhà cung cấp ở Malaysia.
Đối với du lịch, chúng tôi đặt mục tiêu thu hút lượng du khách tăng trở lại, khuyến khích các chuyến thăm lặp lại nhiều hơn và phát triển các thị trường có tiềm năng lớn. Vì vậy, Văn phòng Xúc tiến Du lịch Malaysia đang nỗ lực quảng bá Malaysia như một điểm đến cho các loại hình du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và di sản, du lịch hội họp (MICE)...
Việt Nam thuộc nhóm 10 thị trường thu hút khách du lịch hàng đầu của Malaysia. Năm 2023, chúng tôi đặt mục tiêu đón 16,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế với doanh thu khoảng 49,2 tỷ RM (tương đương khoảng 10,75 tỷ USD), trong đó kỳ vọng đón được 300 nghìn lượt khách đến từ Việt Nam.