Nhiều hoạt động nhân 15 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là 'Khu dự trữ sinh quyển thế giới'
UBND TP Hội An vừa ban hành kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm đảo Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26/5/2009 - 26/5/2024).
Các hoạt động sẽ diễn ra từ tháng 5 đến tháng 6/2024 với chủ đề “Xanh mãi Cù Lao Chàm”. Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, trang trí cổ động trực quan, triển lãm tranh ảnh về đa dạng sinh học…
Đặc biệt, vào ngày 23/5 sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới và chương trình nghệ thuật thực cảnh tại khu vực âu thuyền Cù Lao Chàm. Dịp này, du khách được miễn phí vé tham quan Cù Lao Chàm (vùng lõi khu sinh quyển).
Các hoạt động vừa kể mang ý nghĩa tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; nâng cao ý thức trách nhiệm và vai trò của cộng đồng cùng các bên liên quan trong công tác bảo tồn, phát triển và phát huy các giá trị của khu sinh quyển. Đồng thời hưởng ứng “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024”, thu hút du khách đến với Cù Lao Chàm, góp phần phục hồi du lịch và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cù lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp, TP Hội An (Quảng Nam) còn được biết đến với các tên gọi khác là Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, Pa-lau-cham. Nằm cách bãi biển Cửa Đại khoảng 15 km đường biển, Cù lao Chàm rộng khoảng 15 km2 với hơn 2.900 dân sinh sống.
Với 8 hòn đảo nhỏ, Cù lao Chàm được thiên nhiên ưu ái có khí hậu quanh năm mát mẻ, cây cối bốn mùa phủ xanh trên các hòn đảo. Với 1.549 ha rừng tự nhiên và 6.716 ha mặt nước, Cù lao Chàm mang trong mình sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú.
Khu bảo tồn Cù lao Chàm là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, sinh vật nhuyễn thể, các rạn san hô, các thảm rong, cỏ biển và các loài hải sản có giá trị cao sinh sống. Không chỉ có thế, nơi đây còn có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Hiện Cù lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, trong đó có 2 loài được ghi vào sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.
Bên cạnh một hệ sinh thái phong phú, Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm còn chứa trong mình các hệ văn hóa từ xa xưa để lại (như: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt), cùng với các di tích đã chứng minh mối quan hệ giao lưu giữa Cù lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển. Qua các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy cách đây trên 3.000 năm, nơi đây còn là nơi sinh sống của các cư dân cổ xưa. Đây thật sự là một địa điểm lý tưởng để khám phá.
Cù Lao Chàm còn tồn tại khá đầy đủ thiết chế văn hóa tín ngưỡng truyền thống của làng xã miền Trung nước ta. Các di tích tín ngưỡng hiện còn ở Cù lao Chàm được xây dựng chủ yếu vào khoảng thế kỷ 17-18 như: đình Đại Càn, miếu thờ Thành hoàng, miếu Tiền hiền, miếu Thần nông, miếu Tổ nghề yến, lăng Ông Ngư, lăng Cô, giếng Xóm Cấm, chùa Hải Tạng … là những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.
Hiện nay, Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm thu hút hơn 2 vạn khách du lịch mỗi năm. Có thể nói điều thu hút du khách tới đây chính là muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của biển cả, của những nền văn hóa cổ xưa và được tự mình khám phá thiên nhiên.
Đặc biệt, đảo Cù lao Chàm những năm gần đây nói không với rác thải hay túi nilon. Từ giữa năm 2009, người dân nơi đây đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị của TP Hội An về việc không sử dụng túi nilon trên đảo, cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường. Có lẽ vì vậy nên dù diện tích chỉ hơn 15km2 và cách đất liền hơn 1 hải lý với 30 phút chạy tàu, nhưng thu nhập từ du lịch của Cù lao Chàm luôn tăng trung bình 40% mỗi năm và nằm trong nhóm những điểm đến có tỷ lệ khách quay trở lại cao nhất cả nước.