Nhiều hoạt động trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm năm 2024

Các hoạt động tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm năm 2024 ở Ninh Thuận sẽ góp phần tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới du khách trong nước và quốc tế.

Thiếu nữ Chăm huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) thi trình diễn trang phục truyền thống. (Ảnh: Công Thử/ TTXVN)

Thiếu nữ Chăm huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) thi trình diễn trang phục truyền thống. (Ảnh: Công Thử/ TTXVN)

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước,” Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 sẽ tổ chức từ ngày 27-29/9/2024, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngày hội có sự tham gia của 9 tỉnh, thành phố gồm: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, thành phố. Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các hoạt động tại Ngày hội sẽ góp phần tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới du khách trong nước và quốc tế; tăng cường quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 Các sản phẩm gốm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Chăm được trưng bày ở Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận) (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Các sản phẩm gốm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Chăm được trưng bày ở Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (Ninh Thuận) (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội rất đa dạng, phong phú như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Liên hoan văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc Chăm; triển lãm “Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam;” trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; triển lãm tranh mỹ thuật về văn hóa dân tộc Chăm.

Theo các nhà nghiên cứu, đồng bào dân tộc Chăm có nguồn gốc ở Nam Trung Bộ nước ta, do những biến động của lịch sử nên di cư đến nhiều nơi.

Hiện nay, dân tộc Chăm sinh sống tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang...

Trong di sản văn hóa Việt Nam, dấu ấn văn hóa Chăm thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ), phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, vải thêu, hoa văn, gốm…

Văn hóa Chăm là một nền văn hóa đặc sắc, rất nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa này tồn tại có hệ thống, khá toàn vẹn những tầng văn hóa nổi và còn chìm trong lòng đất, tạo nên nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Cho đến nay, dù trải qua bao đổi thay, biến cố, đồng bào Chăm vẫn giữ được giá trị văn hóa ông cha để lại.

Một nét đặc sắc phải kể đến trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chăm chính là lễ hội, điển hình là Lễ hội Katê. Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.

Năm 2017, đồng bào Chăm Ninh Thuận đón nhận bằng chứng nhận Lễ hội Katê vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

 Rước Y trang Nữ thần Pô Sah Inư lên nhóm đền tháp chính Pô Sah Inư tại Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn ở Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Rước Y trang Nữ thần Pô Sah Inư lên nhóm đền tháp chính Pô Sah Inư tại Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn ở Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Dù được đánh giá cao trong việc bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhưng văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm vẫn đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Nhiều di sản văn hóa Chăm đến nay vẫn không thể phục dựng được; hệ thống di tích Chăm xuống cấp nặng nề; nhiều giá trị văn hóa, nhất là các áng văn chương, truyện cổ, kinh, nhất là hàng chục nghìn trang thư tịch cổ... có nguy cơ bị thất truyền.

Việc biểu diễn các nhạc cụ truyền thống Chăm hiện nay mới chỉ bó hẹp trong sinh hoạt cộng đồng thông qua các nghi lễ tôn giáo, ít được biểu diễn rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc. Các ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm ngày càng ít đi.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm, theo các nhà nghiên cứu, trước hết phải nâng cao nhận thức của cộng đồng dân tộc Chăm, phải để người dân tự hào với chính di sản của họ, từ chỗ tự hào họ sẽ biết cách giữ gìn.

Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cao chất lượng của các thiết chế văn hóa, các cấp chính quyền cần phát huy hết vai trò của các thiết chế văn hóa-tôn giáo truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm trong việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhieu-hoat-dong-trong-ngay-hoi-van-hoa-dan-toc-cham-nam-2024-post971715.vnp