Nhiều hoạt động ý nghĩa tại ngôi trường mang tên Tổng Bí thư Trần Phú

Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân, Hải Phòng) tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng bí thư Trần Phú.

Ngày 22/4, Trường Trung học cơ sở Trần Phú tổ chức Lễ chào cờ, hoạt động giáo dục truyền thống cho 100% cán bộ, giáo viên, học sinh nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904 - 01/5/2024).

Cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Phú làm lễ chào cờ (Ảnh: LMT)

Chương trình gồm 3 phần: Phần chào cờ, sinh hoạt truyền thống với chủ đề: "Người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh”.

Ở phần này, sau khi tham gia nghi lễ chào cờ các em học sinh nhà trường được nghe tóm tắt tiểu sử, thân thế cụ Trần Phú và lễ dâng hoa kính mừng sinh nhật Cụ!

Trường Trung học cơ sở Trần Phú tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng bí thư Trần Phú (Ảnh: LMT)

Phần 2 với tên gọi "Người Cộng sản kiên trung" theo hình thức tiết dạy ngoại khóa do thầy giáo Vũ Quốc Trị (giáo viên tổ Khoa học xã hội) giới thiệu.

Nội dung nói về sự nghiệp và những đóng góp to lớn của cụ Trần Phú đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thầy giáo Vũ Quốc Trị giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú (Ảnh: LMT)

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, quê ở xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - Một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Thân sinh của đồng chí là cụ Trần Văn Phổ và cụ Hoàng Thị Cát.

Mồ côi cha khi mới hơn 4 tuổi, Trần Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên trong học tập theo tấm gương của cha, mẹ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã dồn hết tâm trí cho học tập, tham gia Hội tu tiến để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước.

Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Huế vào năm 1922 Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục tại Vinh. Trong những năm làm giáo viên ở Vinh, Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết các Đồng nghiệp, khơi dậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc. Đồng chí đã tiếp nhận những tư tưởng yêu nước và cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua sách báo truyền vào Việt Nam lúc đó.

Tại Vinh, Trần Phú đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt (sau đổi là Hội Hưng Nam), lãnh đạo phong trào làm đơn lấy chữ ký đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho Phan Bội Châu tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh, mở các lớp dạy quốc ngữ cho quần chúng lao động.

Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là việc đồng chí được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào nhóm bí mật (Cộng sản Đoàn) với tên gọi Lý Quý, được giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva.

Chính những năm học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tham gia hoạt động thực tiễn, đặc biệt trao đổi với các Đồng nghiệp của các Đảng anh em về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, Trần Phú đã có bước trưởng thành lớn đủ sức gánh vác những nhiệm vụ do Đảng phân công.

Tháng 4/1930, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng và có những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Tháng 7/1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí đã khẩn trương xúc tiến việc tổ chức các cuộc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo trên các lĩnh vực, các vùng và nghiên cứu khảo sát thực tế tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Thái Bình để hoàn thành bản Luận cương.

Luận cương chính trị do Trần Phú dự thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.

Với công lao và đóng góp to lớn đó, đồng chí Trần Phú đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Các em học sinh trả lời câu hỏi về thân thế, sự nghiệp đồng chí Trần Phú (Ảnh: LMT)

Hoạt động tập thể: "Ươm vườn tri thức" với 2 vòng theo hình thức trắc nghiệm và tự luận. Nội dung tóm lược lại các mốc thời gian, sự kiện chính về cụ Trần Phú.

Ban tổ chức rất bất ngờ với khả năng ghi nhớ và nắm vững các mốc sự kiện của các bạn học sinh. Với hình thức tốc kí, cùng khả năng tư duy nhanh nhạy, các bạn đã hoàn thành "cây tri thức" trong thời gian ngắn và nhận được món quà đặc biệt từ Ban tổ chức - đó là những cuốn sách hay, thú vị để các em có thể bổ sung vào tủ sách lớp học.

Trường Trung học cơ sở Trần Phú tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (Ảnh: LMT)

Phần 3 với tên gọi "Tự hào mái trường Trung học cơ sở Trần Phú anh hùng" - qua phần giới thiệu và phát động phong trào "Dạy tốt - Học chăm", khơi mở nhiều sân chơi trí tuệ của Hiệu trưởng Lê Thị Minh Tâm, các em đã có dịp biết đến nhiều hoạt động thú vị và bổ ích được tổ chức thường niên, nhiều cuộc thi, sân chơi rèn luyện kỹ năng.

Với những thông tin bổ ích đó, nhà trường hi vọng các em học sinh sẽ năng động, sáng tạo, chủ động để hội nhập trong thời đại công nghệ hóa hiện nay.

Lãnh đạo nhà trường tặng quà học sinh đạt thành tích cao trong học tập (Ảnh: LMT)

Cùng với những hoạt động trên, giáo viên chủ nhiệm các lớp linh động tổ chức tại lớp trong giờ hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, qua đó giúp học sinh hiểu rõ về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp to lớn của người Cộng sản trung dũng, kiên cường; giúp các em hiểu thêm về bề dày truyền thống gần 70 năm xây dựng và phát triển của Trường Trung học cơ sở Trần Phú anh hùng.

Từ đó, bồi dưỡng tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giáo dục tinh thần đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, cố gắng trong dạy và học, không chùn bước trước mọi khó khăn thử thách, như lời Tổng Bí thư Trần Phú “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-hoat-dong-y-nghia-tai-ngoi-truong-mang-ten-tong-bi-thu-tran-phu-post242316.gd