Nhiều học sinh không thi vào 10

Theo khảo sát của phóng viên ở gần 20 trường THCS trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, mỗi trường có hàng chục học sinh không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của tỉnh năm học 2024-2025. Những học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 đều chọn con đường học nghề, văn hóa nghề để lập nghiệp. Phụ huynh các em bày tỏ ủng hộ quyết định của con em mình, tin tưởng đó là lựa chọn đúng đắn.

Cô và trò trường THCS xã Hòa Hậu (Lý Nhân) ôn tập chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025.

Cô và trò trường THCS xã Hòa Hậu (Lý Nhân) ôn tập chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025.

Chị Lê Thị Nụ, thôn 5 – Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục) chia sẻ: Khi cháu bước sang học kỳ II năm học 2023-2024, cháu nói với tôi con xin phép không thi vào lớp 10 THPT công lập để học văn hóa nghề ở Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam. Ban đầu, tôi rất lo lắng, nghĩ là con mình nó theo chúng bạn chăng? Nhưng khi con chia sẻ thật lòng về năng lực của mình, tôi rất thông cảm và ủng hộ quyết định của con. Cháu đã xét tốt nghiệp lớp 9 xong rồi, hiện đang ở nhà giúp cha mẹ việc nhà, chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký học Trung cấp văn hóa nghề ...

Con trai chị Nụ là Trần Anh Việt, học sinh lớp 9 Trường THCS Tràng An (Bình Lục). Việt là một học sinh ngoan, được các thầy cô và bạn bè yêu quý. Thầy giáo Trần Danh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tràng An cho biết: Trong số 18 học sinh không đăng ký ôn thi vào lớp 10 của trường năm nay, Anh Việt là học sinh ngoan ngoãn. Em đã lên gặp thầy cô, nói rõ nguyện vọng của mình và mong chúng tôi ủng hộ quyết định của em.

Lý do để Trần Anh Việt quyết định học nghề là vì tự bản thân em thấy sức học của mình khó có thể thi đỗ vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn. Em băn khoăn: “Nếu em cứ quyết định ôn thi theo phong trào, chuyện đó vừa mất thời gian, vừa tốn kém cho bố mẹ, và khi em trượt, em gánh thêm áp lực tâm lý chán nản. Vì thế, quyết định học văn hóa nghề ngay từ đầu, em thấy mình chủ động và tự tin về bản thân mình hơn. Em rất thích học điện hoặc công nghệ, nếu vào trường được học ngành nghề này em sẽ cố gắng học thật tốt để trở thành người thợ có tay nghề giỏi!”

Tại Trường THCS An Đổ, huyện Bình Lục, 12 học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 ngoài việc không đăng ký ôn tập thi vào lớp 10 đã gửi thông báo đến nhà trường việc các em sẽ đăng ký học nghề, văn hóa nghề. Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tư tưởng của nhiều bậc phụ huynh và học sinh đang có những thay đổi về chuyện học nghề rất rõ ràng. Phụ huynh khi thấy con mình không có khả năng thi đỗ vào 10 vì lực học đuối đã đồng ý nguyện vọng của con không tham gia kỳ thi và tìm hướng khác cho phát triển tương lai thông qua việc học nghề hoặc vừa học vừa làm… Nhà trường vẫn động viên các học sinh này tham gia thi tuyển vào lớp 10 THPT, nhưng các cháu đều cho biết quyết định của các cháu đã được gia đình chấp nhận. Vì thế, chúng tôi phải tôn trọng quyết định của học sinh và gia đình!

 Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập luôn tạo cho học sinh những áp lực học hành rất lớn nhiều năm qua.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập luôn tạo cho học sinh những áp lực học hành rất lớn nhiều năm qua.

Ở các trường THCS khác như Hòa Hậu, Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, số lượng học sinh không đăng ký ôn thi vào lớp 10 THPT từ 14 đến 20 em. Thông tin về các học sinh này cho thấy, các em đã có kế hoạch đi làm thời vụ hoặc đăng ký học nghề trong thời gian tới thay vì tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Bài toán việc làm và thu nhập được đưa ra khi các em cho rằng “học gì thì cũng cần có một nghề để kiếm tiền. Mà học nghề thì có nhiều cách học, không nhất thiết phải học đại học”. Ở những địa phương này, nghề truyền thống, nghề thủ công phát triển, có nhiều doanh nghiệp hoạt động nên cơ hội việc làm cho các em rất lớn. Bà Trương Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Nhân Mỹ cho biết: “Trường có 83 học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm học này, nhưng có trên 10 cháu không thi vào lớp 10. Các cháu chọn mục tiêu học nghề, sau đó sẽ đi nghĩa vụ quân sự, rồi tùy vào hoàn cảnh thực tế sẽ phát triển năng lực nghề nghiệp bản thân.”

Về trường THCS Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, trong số 59 học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9, có gần 10 học sinh không đăng ký học ôn tập thi vào 10. Theo các giáo viên của trường, các năm học trước, con số này vẫn cơ bản không có biến động. Hầu hết các em quyết định không thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập bởi biết rõ sức học của mình khó có thể cạnh tranh vị trí ở lớp 10 THPT A Duy Tiên, một trong những cơ sở giáo dục chất lượng và luôn có mức điểm thi tuyển vào trường khá cao. Trong khi, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của thị xã là cơ sở được tỉnh phân bổ chỉ tiêu cao nhất trong số các trung tâm của tỉnh (450 học sinh). Cơ hội cho các em được xét duyệt vào học ở trung tâm cao, bớt áp lực hơn... Ngoài ra, địa bàn thị xã Duy Tiên có nhiều khu công nghiệp, nhiều học sinh có bố mẹ làm công nhân trong khu công nghiệp rất muốn con mình theo chân bố mẹ sau khi học xong THCS vào đó làm lao động phổ thông, lao động thời vụ... vừa kiếm tiền, vừa học nghề ngay tại doanh nghiệp. Đó là lý do để nhiều học sinh và gia đình quyết định không thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm nay.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Duy Tiên, năm học 2023-2024, toàn thị xã có 2.000 học sinh lớp 9 được xét tốt nghiệp, trong đó chỉ tiêu phân luồng vào các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh giao là 1.550 học sinh. Như vậy, số học sinh được phân luồng học ngoài các trường THPT công lập là 450 học sinh. Con số này tương đương với chỉ tiêu tuyển sinh vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã. Thực tế, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2024, toàn thị xã có 1.588/2.000 học sinh lớp 9 đăng ký ôn tập.

Việc nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 9 không thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập đã và đang trở thành chuyện bình thường khi chủ trương phân luồng giáo dục học sinh sau THCS của tỉnh được thực hiện tốt ở các địa phương nhiều năm qua. Tỉnh đã có chính sách miễn học phí học nghề cho học sinh Hà Nam theo học ở các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Vì thế, với công tác tuyên truyền, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với nguyện vọng của nhân dân đã từng bước thúc đẩy việc phân luồng học sinh đạt kết quả.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nhieu-hoc-sinh-khong-thi-vao-10-123806.html