Nhiều học sinh vùng cao không tham gia bảo hiểm y tế
Thời gian qua, nhiều xã vùng cao của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, đồng nghĩa với việc các xã từ vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3) chuyển thành xã vùng 1. Theo đó, học sinh ở các xã này (trừ học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo) sẽ phải mua bảo hiểm y tế (BHYT) thay vì được cấp miễn phí như trước.
Hàng nghìn học sinh chưa có thẻ BHYT
Xã Thanh Bình, huyện Mường Khương đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 2/2019. Theo Quyết định số 861 của Chính phủ ban hành ngày 4/6/2021 và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc ban hành ngày 18/6/2021 về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhiều học sinh trên địa bàn xã không còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên gặp khó khăn về tiền ăn bán trú, tiền mua sách giáo khoa, tiền học phí, đặc biệt là tham gia BHYT.
Thầy giáo Bùi Quang Tấp, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Thanh Bình cho biết: Năm học 2021 - 2022, Trường PTDT bán trú THCS Thanh Bình có 8 lớp học với 285 học sinh, trong đó gần 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Đến thời điểm này, toàn trường mới có 7 học sinh tự nguyện mua BHYT, 64 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT, còn 214 học sinh chưa tham gia BHYT, chiếm 75% tổng số học sinh.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều học sinh không mua BHYT là do gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những năm trước, xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, vẫn còn là xã đặc biệt khó khăn nên học sinh được cấp miễn phí thẻ BHYT. Từ tháng 7/2021 đến nay, để có thẻ BHYT, mỗi học sinh không thuộc hộ nghèo, cận nghèo phải đóng 563.000 đồng/năm. Với người dân vùng cao, đây là khoản tiền không nhỏ, nhất là với gia đình đông con, việc mua BHYT rất tốn kém. Ngoài ra, một số phụ huynh vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không mua BHYT cho con.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương, từ cuối năm 2021 đến nay, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tại một số trường rất thấp, như Tiểu học Bản Sen 45%; Tiểu học Na Lốc 59%; Tiểu học Lùng Vai 64%; THCS Na Lốc 57%; THCS Bản Sen 47%; THCS Na Lốc 68%. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Mường Khương, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 89%, còn 2.304 học sinh chưa tham gia BHYT.
Đối với Si Ma Cai, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội huyện, không kể số học sinh được cấp miễn phí BHYT, toàn huyện có khoảng 1.800 học sinh thuộc diện phải mua BHYT. Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 870 học sinh tự nguyện tham gia BHYT, đạt trên 48%. Học sinh mua BHYT chủ yếu là ở khu vực thị trấn Si Ma Cai.
Ông Đỗ Văn Vũ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Si Ma Cai cho biết: Mặc dù một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng điều kiện kinh tế của nhiều hộ dân vẫn còn khó khăn. Ở các xã này, học sinh không còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên việc đóng tiền ăn bán trú, tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập khá tốn kém, vì thế nhiều hộ không mua BHYT cho con ngay, chỉ khi con bị ốm mới mua BHYT. Ngoài ra, nhiều hộ dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hoặc chưa hiểu hết tầm quan trọng của BHYT nên không mua cho con.
Chính quyền và ngành giáo dục cần tích cực vào cuộc
Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ngoài huyện Mường Khương và huyện Si Ma Cai, tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện vùng cao, vẫn còn không ít học sinh chưa tham gia BHYT. Việc học sinh không tham gia BHYT sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi khi các em bị ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo phải vào cơ sở y tế điều trị. Với chi phí điều trị tốn kém, chắc chắn sẽ có nhiều gia đình không thể lo đủ số tiền để chữa bệnh cho con. Trước tình trạng nhiều học sinh không tham gia BHYT, ngành giáo dục và ngành bảo hiểm đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Ông Trần Xuân Thịnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Mường Khương cho biết: Đối tượng học sinh bắt buộc phải mua BHYT theo trường học chứ không theo hộ gia đình nên cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ của chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực hơn của ngành giáo dục, trong đó có các trường học. Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, BHYT huyện và ban chỉ đạo các xã; tham mưu giao chỉ tiêu kế hoạch tham gia BHYT cho các trường học. Trung bình mỗi tháng, đơn vị đều phối hợp tổ chức 1 hội nghị tuyên truyền về việc tham gia BHYT cho người dân các xã vùng cao. Dù khó khăn nhưng không thể để kéo dài tình trạng học sinh không tham gia BHYT.
Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành giáo dục có sự vào cuộc quyết liệt trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT sẽ đem lại hiệu quả. Đơn cử như huyện Bát Xát, dù có các xã vùng cao và đạt chuẩn nông thôn mới, như Mường Hum, Mường Vi, Dền Sáng, A Mú Sung, nhiều hộ dân vẫn còn khó khăn, nhưng tỷ lệ học sinh tham gia BHYT ở các xã này đạt rất cao, khoảng 94 - 95%.
Ông Đỗ Đức Chiến, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết: Giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia BHYT của Bát Xát là làm tốt công tác chỉ đạo từ huyện cho đến các xã và các trường học. UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu lãnh đạo xã, trường học rà soát số lượng học sinh tham gia BHYT, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về quyền lợi khi tham gia BHYT, vận động phụ huynh mua BHYT cho con. Đối với những trường chưa đạt 100% học sinh tham gia BHYT phải xác định rõ nguyên nhân, phối hợp với lực lượng chức năng địa phương, gia đình học sinh thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ học sinh tham gia BHYT được đánh giá vào công tác tuyên truyền của hiệu trưởng trong từng năm học.
Rõ ràng, việc hàng nghìn học sinh vùng cao trên địa bàn tỉnh chưa tham gia BHYT từ tháng 7/2021 đến nay là câu chuyện đáng quan tâm. Các ngành liên quan và chính quyền địa phương cần sớm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vận động phụ huynh mua BHYT cho con để đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe của học sinh vùng cao.