Nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực
Ngày 24/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (viết tắt BCĐ tỉnh) tổ chức phiên họp thứ 12 do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh chủ trì.
Tham gia phiên họp có các đồng chí: Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ tỉnh; Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ tỉnh, các thành viên BCĐ tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Phiên họp đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thành Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh và kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh gồm 14 đồng chí.
Nhiều kết quả tích cực
Năm 2024, BCĐ tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ Trung ương và BCĐ Trung ương về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
BCĐ tỉnh đã triển khai thực hiện, nghiêm túc, cơ bản hoàn thành các nội dung chương trình công tác năm đề ra; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung hoàn thành công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch và chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc điều tra, xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc danh mục của BCĐ tỉnh. Kết quả, một số vụ án lớn đã đưa ra xét xử nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Kết luận phiên họp, BCĐ tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là nâng cao nhận thức và thực hiện tốt công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội; các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, hoạt động thanh tra, kiểm toán; công tác cán bộ; công tác xây dựng pháp luật; công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công… Tập trung chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm” làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, các công trình, dự án đầu tư kể cả bằng vốn ngân sách hoặc vốn ngoài ngân sách nhưng có nguy cơ gây lãng phí, chậm tiến độ, chậm triển khai và có kế hoạch, biện pháp xử lý, khắc phục; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những lĩnh vực chuyên môn sâu, những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm, trong đó nâng cao hiệu quả vai trò giám sát của HĐND, MTTQ các cấp. Chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các đoàn kiểm tra trung ương, của tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ.
Các ngành chức năng, đơn vị, địa phương kịp thời giải quyết đúng quy định các đơn thư phản ánh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là những đơn thư tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên và chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước các trường hợp lợi dụng tố cáo để bôi nhọ, bêu xấu cán bộ, hạ uy tín, danh dự, gây mất đoàn kết nội bộ.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ tỉnh chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc. Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự; tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo chỉ đạo của BCĐ Trung ương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường phối hợp với viện kiểm sát, tòa án, thi hành án cùng cấp áp dụng các biện pháp thu hồi, xử lý tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Các thành viên BCĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa bàn được phân công quản lý, theo dõi, phụ trách, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại các cấp ủy, tổ chức đảng, các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực BCĐ tỉnh sớm tham mưu chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2025; danh mục các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc năm 2025; sửa đổi quy chế làm việc của BCĐ tỉnh ngay sau khi BCĐ Trung ương hướng dẫn và phân công nhiệm vụ thành viên BCĐ tỉnh theo quy định; tham mưu triển khai các hoạt động thường xuyên của BCĐ tỉnh; kịp thời tham mưu đề xuất BCĐ tỉnh chỉ đạo những vụ án, vụ việc khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thực hiện tốt công tác xử lý đơn của công dân gửi đến BCĐ tỉnh theo quy định…