Nhiều khả quan từ thị trường việc làm

Năm 2023, ngành lao động đang thí điểm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở một số quốc gia phát triển và hứa hẹn rất nhiều khả quan.

Bức tranh xuất khẩu lao động năm 2023 khá khả quan.

Bức tranh xuất khẩu lao động năm 2023 khá khả quan.

Nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới đã được mở ra như Australia, NewZealand, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani, Nam Phi, Canada… Đây đều là những thị trường có thu nhập cao và mang lại môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động (NLĐ).

Nhật Bản vẫn là thị trường được ưa thích

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 59.645 lao động (20.585 lao động nữ), đạt 54,2% kế hoạch năm 2023, (năm 2023 kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động) và gấp hơn 1.9 lần so với cùng kỳ năm ngoái (5 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 31.229 lao động).

Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với 28.513 lao động (11.916 lao động nữ), tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 26.201 lao động (20.585 lao động nữ), Hàn Quốc 1.210 lao động (53 lao động nữ), Trung Quốc 729 lao động (2 lao động nữ).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đánh giá, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các nước dần khôi phục lại việc tiếp nhận lao động nước ngoài.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, các thị trường truyền thống lâu năm như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… vẫn đánh giá cao lao động Việt Nam ở sự nhanh nhẹn, chăm chỉ, có tay nghề vững, nên khi tiếp nhận lao động trở lại sau dịch Covid-19 họ vẫn dành sự ưu tiên nhất định cho lao động Việt Nam.

Trong năm 2023, ước tính 90% số lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tập trung ở thị trường Đông Bắc Á. Đây cũng là những thị trường lâu năm, an toàn, có thu nhập ổn định và ưa chuộng của lao động Việt Nam. Mặc dù vậy, để hướng đến mở rộng các thị trường chất lượng cao, đòi hỏi tay nghề cao hơn để từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Nâng chất lao động

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài hiện nay, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, về thu nhập bình quân hiện nay của NLĐ, chỉ có 3 quốc gia có thu nhập cao hơn. Đó là Đức (khoảng 2.500 EUR), Hàn Quốc (khoảng 1.800 USD), Nhật Bản (khoảng 1.500 USD). Nhưng gần đây, tại Nhật Bản, do tỷ giá đồng yên thấp nên NLĐ gặp khó khăn hơn. Còn bình quân, mức thu nhập của NLĐ khoảng 600-700 USD/tháng.

Về chất lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhìn chung, các nước tiếp nhận lao động Việt Nam đều đánh giá cơ bản tốt, ý thức trách nhiệm tốt, kỹ năng nghề nghiệp tốt. Và quan trọng hơn là hiệu suất công việc cũng tốt.

“Ngoại ngữ của NLĐ nước ta kém hơn so với một số quốc gia. Hai là ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận NLĐ chưa tốt. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với các DN tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng chất lượng nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Liên quan đến triển khai các giải pháp để bảo vệ NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay có 482 doanh nghiệp (DN) được nhà nước cấp phép, số lao động đi theo các DN này. Thời gian qua nhiều người bị lừa là do không tìm hiểu kỹ, tìm đến các công ty “ma”, công ty không được nhà nước cấp phép, thậm chí là trá hình. Những trường hợp này Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương xử lý rất nhiều.

“Có hai dạng lừa, một là lừa đi để thu tiền môi giới cao hơn; hai là không đúng ngành nghề đào tạo, không đúng việc làm để rồi sang bên kia phải trả về hoặc có những công việc không tốt, lao động phải bỏ trốn, ở lại. Thời gian vừa qua, Bộ đã xử phạt nhiều, năm 2022, thanh tra đã xử phạt 62 DN, chủ yếu là phạt tiền, thu hồi giấy phép 4 DN” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sẽ phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh tra kiểm tra.

Bình Dương: Nhiều chương trình hỗ trợ người lao động nghèo

Ngày 8/6, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, các lãnh đạo tỉnh vừa thực hiện chuỗi chương trình trao quà cho công nhân, người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm, giảm giờ làm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã đến Công ty TNHH Công Nghiệp King Jade Việt Nam (TP Thủ Dầu Một) trao 100 phần quà cho NLĐ, mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng và 1 túi quà. Là doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất, Công ty King Jade Việt Nam có khoảng 1.100 lao động. Thời gian qua, do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới nên công ty gặp nhiều khó khăn, đời sống, việc làm của NLĐ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng 100 phần quà cho công nhân, NLĐ Công ty FrieslandCampina Việt Nam (TP Thuận An). Mỗi phần quà bao gồm tiền mặt 1 triệu đồng và nhu yếu phẩm. Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao 100 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động khó khăn trên địa bàn TP Tân Uyên…

Theo bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đơn vị đã ký quyết định phê duyệt chi hỗ trợ cho gần 23 ngàn đoàn viên, NLĐ của 97 doanh nghiệp được hưởng chính sách với tổng số tiền 34,5 tỷ đồng. Cũng theo bà Loan, một hoạt động nổi bật trong Tháng Công nhân 2023 ở Bình Dương là Liên đoàn Lao động tỉnh đã vận động nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho những đoàn viên khó khăn về nhà ở. Có 5 đoàn viên tại Bình Dương được tặng “Mái ấm Công đoàn” với tổng trị giá trên 520 triệu đồng…

QUỐC ĐỊNH

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhieu-kha-quan-tu-thi-truong-viec-lam-5720116.html