Nhiều khách sạn ở Việt Nam 'thoát hiểm' trong đại dịch nhờ cách này

Dù chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, mô hình khách sạn chuyển đổi thành cơ sở cách ly y tế với tỉ lệ lấp đầy có thể lên tới 78% đang được coi là điểm sáng, kỳ vọng phục hồi cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.

Trong báo cáo cập nhật về ngành khách sạn mới nhất, Savills Việt Nam cho biết phân khúc khách sạn ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đã chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề kể từ khi có dịch Covid-19, với tỉ lệ phòng lấp đầy trung bình ở các khách sạn 3-5 sao sụt giảm rất mạnh.

Tại TP HCM, với tác động của đợt dịch thứ 4, những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, tỉ lệ lấp đầy của các khách sạn trong quý II/2021 chỉ đạt 18% với giá phòng trung bình 69 USD/phòng/đêm.

Dù vậy, nếu so với thời điểm "đáy" của thị trường vào đợt dịch đầu tiên của năm 2020, con số này đã tăng 5 điểm %; giá phòng trung bình từ quý II/2020 đến nay đã tăng khoảng 3 USD mỗi quý, với lực đẩy đến từ các cơ sở và dịch vụ cách ly tập trung có giá thuê cao hơn từ 5-60% so với giá trung bình của thị trường.

Một khách sạn đón khách cách ly ở TP HCM

Một khách sạn đón khách cách ly ở TP HCM

Đánh giá về phân khúc các khách sạn chuyển đổi thành cơ sở cách ly tập trung, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam, cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường khách sạn nghỉ dưỡng, đặc biệt là với những cơ sở vừa và nhỏ. Hiện có khoảng 10% số lượng khách sạn trên thị trường được chuyển đổi thành cơ sở cách ly, và con số này có thể tăng lên trong thời gian sắp tới, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc cách ly và hỗ trợ chống dịch.

Tại Hà Nội, hiện có khoảng 20 khách sạn chuyển đổi theo mô hình này, tương đương khoảng 1.600 phòng. Còn ở Đà Nẵng là khoảng 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng…

Tại TP HCM, số liệu cập nhật của Sở Du lịch cho biết tính đến cuối tháng 8, ngành du lịch trên địa bàn đã phối hợp Sở Y tế, UBND TP Thủ Đức và UBND 21 quận - huyện vận động 270 cơ sở lưu trú (khoảng 9.927 buồng/phòng) phục vụ đội ngũ y - bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Đồng thời, có gần 500 khách sạn đăng ký làm điểm cách ly cho đối tượng có nguy cơ cao (F1) trong dịch Covid-19 với gần 20.000 phòng, trong đó có 209 khách sạn với 11.350 phòng đã được thẩm định đủ điều kiện và đang triển khai hoạt động cách ly y tế.

Điểm tích cực, theo Savills Việt Nam, thị trường TP HCM đã chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn tại khu vực quận Tân Bình, khu vực gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với tỉ lệ lấp đầy lên đến 78%. Tất cả khách sạn 5 sao trong khu vực này đều đã được sử dụng thành các cơ sở cách ly y tế.

"Có thể thấy nhu cầu về khách sạn cách ly đang có xu hướng tăng lên, với nhóm đối tượng khách hàng có thể đến từ các nhân viên thuộc phi hành đoàn, các nhà ngoại giao quốc tế, các chuyên gia nước ngoài - những người thường xuyên nhập cảnh ra vào Việt Nam" – ông Troy Griffiths thông tin thêm.

Theo các chuyên gia, một điểm đặc biệt của thị trường du lịch khách sạn Việt Nam là 80% khách nội địa - người Việt Nam hoặc những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Do đó, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, sự khôi phục mạnh mẽ của ngành du lịch trong nước sẽ khả thi.

Mô hình du lịch tại chỗ được dự đoán là xu hướng được khách hàng ưa chuộng, giúp các khách sạn cải thiện doanh thu. Các khách sạn 4-5 sao đang dần có những gói dịch vụ khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách nội địa trong thời gian gần đây. Ngoài ra, việc triển khai "hộ chiếu vắc-xin" cũng là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể mở cửa với khách quốc tế.

Thái Phương. Ảnh: Bình An

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/nhieu-khach-san-o-viet-nam-thoat-hiem-trong-dai-dich-nho-cach-nay-2021092414111739.htm