Nhiều khái niệm cần làm rõ trong Dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đồng tình với bố cục cũng như nhiều nội dung trong dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, tên luật là về công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhưng nội hàm dự thảo luật chưa đề cập tới trình độ khoa học, công nghệ đối với quốc phòng, an ninh, đồng thời, cần làm rõ nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh là sản xuất vũ khí phục vụ chiến đấu, hay chỉ là sửa chữa, sản xuất quân tư trang.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng, cần xem lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội hàm dự thảo luật. Cụ thể, trong dự thảo luật không đề cập tới chức năng cũng như quản lý nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp. Do vậy, phạm vi điều chỉnh của luật cần được điều chỉnh lại như sau: Luật này quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức hoạt động và chế độ chính sách đối với công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp, chuẩn bị thực hành động viên công nghiệp, quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo luật chưa đề cập tới đối tượng áp dụng, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm một Điều về đối tượng áp dụng, trong đó nêu rõ: luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị giải thích hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm những hoạt động nào, đồng thời cần giải thích rõ ràng ý nghĩa của các khái niệm: cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp đặc biệt.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!