Nhiêu khê tòa nhà Bộ Lễ

Là đang nói về việc xây cất cùng tiến độ của Trụ sở mới Bộ Ngoại giao. Ấy là Bộ Lễ, theo cách gọi cũ của người Việt. Những ngày này công luận đương dậy lên những xầm xì bởi công trình Trụ sở Bộ Ngoại giao đã bị Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng thống nhất đưa vào diện theo dõi.

Bộ Ngoại giao số 1 Tôn Thất Đàm.

Do công việc mà một thời người viết bài này có nhiều dịp lui tới cái cơ quan công quyền danh tiếng ấy.

Thói tò mò thường đeo bám nên cũng đâm quen, đâm thuộc.

Nguyên ủy thời Nguyễn, cái nền của Trụ sở Bộ Ngoại giao này là Trường luyện quân. Năm 1928, chính quyền thuộc địa quyết định xây tòa nhà Sở Tài chính. Kiến trúc sư thuộc địa danh tiếng Ernest Hébrard được chỉ định là người thiết kế.

Con mắt sành sỏi của Toàn quyền Đông Dương khi ấy nghĩ ngay đến các công trình, Louis Finot Museum - Viễn đông Bác cổ - Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử bây giờ, số 1 Phạm Ngũ Lão) thuở ấy vừa được khánh thành. Người thiết kế công trình nổi tiếng này không ai khác chính là Ernest Hébrard!

Để khách quan (với lại chừng như không tin lắm vào tay nghề của một KTS tuy nổi danh nhưng bản tánh tài tử này, ngộ nhỡ có chi sơ suất lẫn thất thố khi tạo tác Sở Tài chính?) người ta đã vời bốn KTS khác vẽ kiểu cho công trình này. Vậy nên tận bây giờ có đến 5 bản thiết kế với 5 kiểu vẽ khác nhau về Trụ sở Sở Tài chính này. Nhưng cuối cùng, đề án của Ernest Hébrard vẫn được chọn!

Khởi công 1927 đến năm 1930, Trụ sở Sở Tài chính, ngôi nhà Tám mái được khánh thành. Đẹp lẫn độc đáo như giới kiến trúc từng bình là “trong phiên bản chính thức của phong cách Đông Dương này, mái đua và các mái hồi cố gắng tái tạo một bố cục kiến trúc phương Tây trong khi hoàn toàn tách rời các nét đặc trưng truyền thống Việt Nam”. Có phải vì lẽ ấy chăng, nên khi tiếp quản Thủ đô năm 1954, con mắt tinh đời của ngạch hành chánh nào đó đã chọn ngay Sở Tài chính làm Trụ sở của Bộ ngoại giao.

Ngày 28 tháng Tám 1945, Chính phủ Lâm thời nước VNDCCH được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch Chính phủ Lâm thời kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ngày đó cũng là ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách Bộ Ngoại giao đến ngày 2 tháng Ba 1946. Khi thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, chức này được giao cho ông Nguyễn Tường Tam, người của Đảng Việt Quốc.

Nhậm chức được hơn 2 tháng, ngày 30 tháng Năm 1946, Nguyễn Tường Tam đã trốn theo quân đội Tưởng Giới Thạch sang Trung Quốc, mang theo 2 triệu đồng biển thủ từ công quỹ của Bộ Ngoại giao. Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phải kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao cho đến khi chuyển giao chức vụ này cho ông Hoàng Minh Giám (tháng Ba 1947).

Sau 1954, chức Bộ trưởng Ngoại giao lần lượt do các vị sau đảm nhiệm: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (kiêm nhiệm từ tháng Tám 1954 đến tháng Hai 1961), ông Ung Văn Khiêm (2/1961 - 4/1963), ông Xuân Thủy (4/1963 - 4/1965), ông Nguyễn Duy Trinh (4/1965 - 2/1980), ông Nguyễn Cơ Thạch (2/1980 - 8/1991), ông Nguyễn Mạnh Cầm (8/1991 - 1/2000) và ông Nguyễn Dy Niên (từ tháng 1/2000). Rồi những Phạm Gia Khiêm, Phạm Bình Minh rồi bây giờ là Bùi Thanh Sơn.

(Cũng nhớ thêm, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ tháng Sáu 1969 đến tháng Bẩy 1976).

Trụ sở Bộ Ngoại giao trong những ngày đầu thành lập được đặt ngay trong Phủ Chủ tịch, sau đó chuyển đến số nhà 43 Lý Thái Tổ. Năm 1946, chuyển đến số nhà 23 Phố Hàng Tre, sau đó cùng Chính phủ rời Thủ đô về gần Vân Đình – Hà Đông rồi rút lên An toàn khu tại bản Dõn xã Minh Khai (nay là xã Minh Thanh) huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân, Bộ Ngoại giao đóng trụ sở lâu nhất tại đây, cho đến tháng 7/1954, chuyển sang Đại Từ Thái Nguyên. Từ sau ngày tiếp quản Thủ đô, tháng Mười 1954, trụ sở Bộ Ngoại giao đặt tại địa điểm nhà số 1 Tôn Thất Đàm, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

Cuối năm 2000, có tin trụ sở Bộ Ngoại giao ở Tôn Thất Đàm sắp phải chuyển đi và sẽ được xây mới. Việc diễn ra khá nhanh. Công trình trụ sở mới đã được khởi công đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập ngành Ngoại giao 28/8/2009.

… May mắn trong đám báo chí được dự lễ khởi công xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao mới ở đường Lê Quang Đạo liền kề với đường Lê Đức Thọ, tôi nắn nót ghi vào sổ biên việc những dòng này.

“… Trụ sở Bộ Ngoại giao mới là dự án thuộc nhóm A, công trình cấp đặc biệt. Công trình chính có quy mô 14 tầng nổi, cao 78,9m và 1 tầng hầm. Diện tích xây dựng 16.282m2, tổng diện tích sàn 126.282m2 (không kể diện tích ngoài trời như khu vực để xe, thảm cỏ, khu thể thao giải trí và đường giao thông nội bộ). Dự án có sân đỗ máy bay trực thăng”.

Giữa những ràn rạt quan khách, tôi có cảm giác như bay bổng với những lời phát biểu có cánh! Những là Trụ sở Bộ Ngoại giao được xây mới giáp với đường Lê Đức Thọ, ngành ngoại giao như được thụ hưởng, như được tiếp thêm linh khí hưng vượng nền ngoại giao do nhà ngoại giao Lê Đức Thọ kiệt xuất từng từ chối Giải Nobel!

Nước Nam mình phỏng có được bao lăm nhân vật như thế?

Rồi một vị khác, trưng ra con số (mà chắc cũng là tình cờ, ấy là số mét đất mà Chính phủ cấp để xây mới trụ sở Bộ Ngoại giao lại trùng khít với số diện tích mà trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước tọa lạc - 7,1 ha?). Một vị quan khách đã hào sảng diễn dịch cái ý này đại loại: Chính phủ và con dân nước Việt mong muốn ngành ngoại giao hãy cố gắng xứng đáng khi hòa nhập với cộng đồng quốc tế?

Mốc chốt là cuối năm 2012, trụ sở mới sẽ hoàn thành. Nhẩm vội thấy tình cờ lại bằng đúng thời gian KTS Ernest Hébrard thi công Tòa nhà Sở tài chính (1927-1930) Trụ sở Bộ Ngoại giao sau này!

***

Vậy mà đã 16 năm đã vèo đi.

Trụ sở Tòa nhà Bộ Ngoại giao cũ vẫn yên vị ở số 1 Tôn Thất Đàm.

Tuần vận đất trời lại một mùa hoa sưa mới. Từng mặc định bao năm cái tiết nồm ẩm, tận xuân sơ hạ theo thói quen lại nhảo lên khu vực số 1 Tôn Thất Đàm để được quan chiêm ba tán sưa cổ thụ tỏa một vùng hoa trắng tinh khôi trước Tòa nhà Bộ Ngoại giao. Chợt hụt hẫng nhớ ra là hai gốc sưa đã bị cơn bão Yagi năm ngoái quật đổ.

Lại thêm cảm giác hụt hẫng chuyện dự án tòa nhà Bộ Ngoại giao đang trong “diện theo dõi”…

Cũng biên ra đây vài khúc nhôi và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án khủng này tại sao bị lọt vào… tầm ngắm của các nhà chức việc.

Có thể do thiếu vốn đầu tư hay những nguyên nhân gì khác nữa, từ năm 2017 nhiều gói thầu thuộc dự án đã được Kiểm toán Nhà nước xác định chậm tiến độ. Cụ thể gói thầu TB-10, gói thầu TB-13, gói thầu TB-06, gói thầu TB-12, gói thầu XL-07, gói thầu XL-10, gói thầu XL-09…

Tháng 7/2019, sau 10 năm thi công ì ạch, Bộ Ngoại giao bất ngờ xin cơ chế đặc thù để cứu dự án trụ sở hơn 4.000 tỷ dở dang vì đội vốn nên chậm tiến độ.

Vậy mà Bộ Xây dựng cho rằng cơ chế đặc thù này mới chỉ xử lý tình huống, chưa giải quyết triệt để các vướng mắc dự án.

Bao nhiêu là những con số xót xa.

Trụ sở Bộ Ngoại giao cũ là một địa chỉ văn hóa

Trụ sở Bộ Ngoại giao cũ là một địa chỉ văn hóa

Dự án phê duyệt từ tháng 7/2009 với tổng vốn 3.484 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng vốn lên 4.022,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn 1 triển khai xây dựng trụ sở, Ban quản lý dự án - Bộ Ngoại giao đã phê duyệt dự toán các gói thầu với tổng giá trị lên tới 5.952,7 tỷ đồng, vượt xa tổng mức đầu tư được duyệt. Điều này dẫn đến tổng giá trị ký kết các hợp đồng thi công giai đoạn 1 lên tới 4.688,9 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư 666,2 tỷ đồng.

Công trình đến nay đã hoàn thiện phần thô, dang dở, bỏ hoang nhiều năm, nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Một phần nhỏ tòa nhà được tận dụng là nơi làm việc của Bộ Ngoại giao, còn lại là bỏ hoang và đang có dấu hiệu xuống cấp

(Nguồn Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ)

Rồi chốt hạ, thời điểm tháng 3/2025, dự án được (hay bị?) Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương thống nhất đưa vào diện theo dõi.

Nhờ được người quen giúp, tôi đã có dịp lang thang nơi hoang phế khổng lồ choán tới hơn 126 ngàn mét vuông ấy. Ngước lên những khối nhà cao vòi vọi (gần 80m?) xếp như các khối bê tông ngất nghểu.

Ngó hàng trăm ngàn ô cửa đơn điệu bằng chằn chặn xếp lớp để suông hơn 10 năm trời trổ ra vẻ thô lố hoang phế thê lương trong làn mưa bụi nghĩ tới khâu thiết kế hình như có vấn đề? Nghĩ tới những đường lượn nuột nà duyên dáng hợp lý đến từng xăng ti mét của tiền nhân hơn trăm năm trước ở số 1 Tôn Thất Đàm dậy lên cảm giác thua thiệt xót xa! Gần 6 ngàn tỷ bạc 16 năm qua đã cấu thành nên khối nhà hoang lẫn vườn hoang như thế!

Trụ sở Bộ Ngoại giao mới đang xây dở và để hoang hóa

Trụ sở Bộ Ngoại giao mới đang xây dở và để hoang hóa

“Đưa vào diện theo dõi…” - Cụm từ ấy như khởi đầu cho một lộ trình nhọc nhằn, nhiêu khê. Những là phanh phui, điều tra, quy kết trách nhiệm việc kéo dài chậm tiến độ dự án? Liệu có phát lộ ra các cung bậc của lãng phí, tham nhũng, biển thủ… Tầm cao nhất, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trị và hành chính? Người khai sinh dự án hay người kế nhiệm điều hành suốt một thập kỷ qua?

Rời khu nhà - vườn hoang phế chợt nghĩ đến một chuyện. Cũng là xây nhà Ngoại giao. Để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 ở Điềm Mặc tại Chiến khu Việt Bắc, phải hoàn thành gấp Khu Giao tế Trung ương. Cụ Hồ đã cho gọi KTS Tạ Mỹ Duật và đưa cho ông một bản thiết kế Khu Giao tế Trung ương ở ATK Thái Nguyên mà ai đó đã hoàn thành.

Hai bác cháu chụm đầu hồi lâu. Rằng hay thì thật là hay nhưng hình khối này đường nét này vật liệu này… có lẽ chỉ thích hợp với không khí thời bình cùng điều kiện vật chất dư dả sung túc.

- Chú có cách gì mới không?

Cái cách của KTS Tạ Mỹ Duật mà sau này có tài liệu liệt kê và tả lại rằng, KTS Tạ Mỹ Duật chỉ mất có ba ngày! Mà cụ Hồ ưng lắm! Nó đây.

Xin trích:

“… Một tổng thể gồm đủ các loại nhà, nhà nghỉ, nhà ăn, nhà khánh tiết, phòng căng tin… có đầy đủ tiện nghi và cũng không kém phần thẩm mỹ. Bàn ghế bằng trúc óng ả, lọ hoa bằng khúc gỗ khô, bức rèm phên thấm lọc ánh sáng dịu mắt, phản xạ qua khe lá…”.

Bao giờ cho đến … ngày xưa? Thời xa thì có KTS Ernest Hébrard mất 3 năm. Thời gần có KTS Tạ Mỹ Duật mất 3 ngày!

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-khe-toa-nha-bo-le-post1735222.tpo