Nhiều khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp
Nhiều khó khăn tiếp tục bủa vây các doanh nghiệp trong quý cuối cùng của năm 2022 khi vẫn khó tiếp cận vốn vay, thiếu đơn hàng, người lao động phải nghỉ luân phiên, các tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng… Tuy nhiên, phía sau những khó khăn này lại là mối lo quyền tự chủ của doanh nghiệp tư nhân trở nên mỏng manh đến từ một vài bản dự thảo chính sách mới.
Mới đây, tại buổi kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) nhằm thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ, ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai, cho biết hiện nhiều DN kinh doanh đa ngành nghề gặp khó trong việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất 2% cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất.
Những khó khăn hiện hữu
Theo ông Nguyện, qua 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN rơi vào tình trạng có nợ xấu, khả năng trả nợ bấp bênh hoặc hết tài sản bảo đảm. Trong khi đó, đây lại là một trong những điều kiện tiên quyết để được vay vốn và nhận hỗ trợ lãi suất, do đó chưa đáp ứng điều kiện của các ngân hàng.
Không chỉ khó tiếp cận vốn vay và chính sách hỗ trợ lãi suất, những tháng qua nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rơi vào tình trạng sụt giảm đơn hàng, thị trường xuất khẩu hàng hóa chững lại dẫn đến thiếu việc làm cho người lao động. Điển hình nhất là các DN sản xuất gỗ đang gặp nhiều khó khăn và lực lượng lao động trong ngành này rơi vào cảnh thiếu việc làm, thu nhập giảm sút.
Tương tự như vậy, tại tỉnh Bình Dương, nhiều DN bày tỏ mong muốn được tháo gỡ các vướng mắc để tiếp cận nguồn vốn và chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, theo điều kiện để hỗ trợ lãi suất thì DN bị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020, 2021 và có khả năng phục hồi trong năm 2022, 2023 thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Tuy nhiên, đa số DN ngành gỗ hoạt động ổn định và tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, 2021. Riêng năm 2022 có suy giảm nghiêm trọng, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành xuất khẩu. Vì vậy DN ngành gỗ khó đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31.
Phản ánh gần đây tại tỉnh Bình Dương cho thấy nhiều DN (nhất là các DN trong ngành gỗ) do thiếu đơn hàng xuất khẩu trong các tháng cuối năm nên cắt giảm giờ làm, giảm lao động và quy mô sản xuất. Do đó, đến nay có 13.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng.
Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới khó khăn nên thời gian qua nhiều DN tại tỉnh này đang hoạt động chỉ từ 30-50% công suất, lượng hàng tồn kho nhiều, thiếu đơn hàng. Ngoài ra, người lao động cũng phải nghỉ việc luân phiên do một số nguyên liệu khó nhập về.
Nhìn vào những vấn đề mà DN ở hai địa phương có thế mạnh về sản xuất công nghiệp như Đồng Nai và Bình Dương đang gặp phải, giới chuyên gia cho rằng việc phát triển sản xuất kinh doanh thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn và đắt đỏ hơn nữa.
Như trong báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê thực hiện mới đây cho thấy, có 91,6% DN dự báo Quý IV/2022 chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (30,4% tăng, 61,2% giữ nguyên) so với Quý III/2022, chỉ có 8,4% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm. Về giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm Quý IV/2022 so với quý III/2022, có 92,2% DN dự báo tăng và giữ nguyên (21,9% tăng, 70,3% giữ nguyên), chỉ có 7,8% DN dự báo giảm.
Mong manh quyền tự chủ doanh nghiệp
Cũng theo giới phân tích, tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý cuối cùng của năm 2022 sẽ thấp hơn so với Quý III/2022 do lạm phát thế giới vẫn đang tăng cao, làm tăng lo ngại suy thoái kinh tế cũng như ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng trên thế giới, qua đó tác động kém tích cực tới sản xuất trong nước.
Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn hơn khi lạm phát ở các đối tác xuất khẩu chính – Mỹ và EU vẫn đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh, trong khi các nền kinh tế này cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Những yếu tố này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
Trước những khó khăn hiện hữu như vậy, điều mong muốn của các DN là khâu chính sách cần tiếp tục cởi mở hơn nhằm phần nào giúp tháo gỡ bớt khó khăn cho họ. Trong khi đó, ở một số dự thảo thông tư, nghị định, luật được soạn thảo gần đây lại làm cho DN tăng thêm sự lo lắng, hoang mang.
Như trong tháng 10/2022 này, khi đóng góp ý kiến Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, có 8 hiệp hội DN (gồm Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hội thực phẩm minh bạch, Hiệp hội chè Việt Nam, Hội lương thực thực phẩm Tp.HCM, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy) đã đồng loạt phản ánh rằng, nếu quy định mới trong Dự thảo luật này áp dụng cho DN tư nhân sẽ gây rất nhiều khó khăn và chưa phù hợp.
Đơn cử như quy định mới trong Dự thảo luật này là việc cung cấp và công khai hết toàn bộ thông tin của DN, đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị DN (tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình hoạt động, thang lương, bảng lương...) cho toàn thể người lao động, Công đoàn, ban thanh tra nhân dân. Theo các hiệp hội nêu trên thì quy định này là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của DN theo Luật Đầu tư, Luật DN và Luật Sở hữu trí tuệ.
8 hiệp hội nêu trên cũng lưu ý là trên thế giới, hầu hết các nước không có những nội dung quy định pháp luật bắt buộc tất cả các DN phải thực hiện như của Dự thảo luật mà chỉ thông qua thỏa ước giữa DN và người lao động. Điều này khiến cho môi trường kinh doanh và đầu tư bị xấu đi nghiêm trọng, trong khi luật pháp tôn trọng quyền tự chủ của DN.
Hay như mới đây, khi góp ý Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Dự thảo yêu cầu các DN báo cáo rất nhiều các chỉ tiêu hoạt động sản xuất – kinh doanh, vốn là thông tin không được tiết lộ của DN.
Hoặc khi góp ý Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), VCCI có dẫn phản ánh của nhiều DN cho rằng việc cơ quan thanh tra lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra nhiều lúc còn tùy tiện, thậm chí có dấu hiệu bị lạm dụng.
Có thể nói, luật pháp vốn dĩ tôn trọng quyền tự chủ của DN. Cho nên, rất cần ở khâu chính sách đừng tiếp tục đẻ ra những quy định mới có tính chất bất cập, chồng chéo và ảnh hưởng tiêu cực đến việc tự do cơ cấu vận hành, quản trị của DN. Nhất là với DN khu vực tư nhân vốn gây dựng nên bằng chính nguồn vốn của mình và phải đang chật vật chống chọi trước nhiều khó khăn.