Nhiều khó khăn khiến Ninh Bình tụt thứ hạng trong giải ngân vốn đầu tư công

Nếu như hết tháng 6/2023, Ninh Bình đứng thứ 14 trong cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, thì trong 6 tháng đầu năm 2024, Ninh Bình tụt xuống đứng thứ 27. Đã có nhiều khó khăn, vướng mắc khiến cho việc giải ngân của tỉnh bị chậm lại.

Năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công (ĐTC) của tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 6.459,9 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 611,38 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 5.848,52 tỷ đồng.

Với quyết tâm giải ngân hết số vốn được giao, ngay từ đầu năm, tỉnh Ninh Bình đã chủ động thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC, nhất là công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán khối lượng hoàn thành của các dự án. Đặc biệt, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương năm 2024 đã được UBND tỉnh giao.

Nhiều khó khăn khiến Ninh Bình tụt thứ hạng trong giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: H.T

Nhiều khó khăn khiến Ninh Bình tụt thứ hạng trong giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: H.T

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6 vừa qua, tỉnh Ninh Bình mới giải ngân được 34,6% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngoài những vướng mắc chung như các địa phương khác đang gặp phải là về thủ tục đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán…); giải phóng mặt bằng, tái định cư; nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm… thì nguyên nhân chính khiến cho việc giải ngân của tỉnh Ninh Bình chưa đạt như kỳ vọng nằm ở việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương đạt thấp.

Tính đến hết tháng 6 vừa qua, tỉnh Ninh Bình mới giải ngân được 34,6% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Ninh Bình, trong 6 tháng đầu năm, tổng số thu tiền sử dụng đất tại địa phương mới chỉ đạt 39,5%, chưa đạt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, các khu đất thực hiện phân chia các cấp ngân sách vượt tiến độ dự toán đạt 75,9%; số thu tiền sử dụng đất thực hiện phân chia ngân sách tỉnh chỉ đạt 8,5%.

Với những khó khăn trên không chỉ ảnh hưởng đến số thu NSNN mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực bố trí kế hoạch vốn ĐTC năm 2024, nhất là kế hoạch ĐTC vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2024 từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

Ảnh minh họa: H.T

Ảnh minh họa: H.T

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời, căn cứ tình hình thực tế triển khai thực hiện Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và Kế hoạch ĐTC năm 2024 các nguồn vốn do tỉnh quản lý, UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư phải xác định giải ngân ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân, bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách cấp xã và các nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch... theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài những vướng mắc chung như các địa phương khác đang gặp phải là về thủ tục đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán…); giải phóng mặt bằng, tái định cư; nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm… thì nguyên nhân chính khiến cho việc giải ngân của tỉnh Ninh Bình chưa đạt như kỳ vọng nằm ở việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương đạt thấp.

Đồng thời, các chủ đầu tư phải phối hợp với các ngành liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công tác kiểm soát, thanh toán vốn ĐTC, đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn ĐTC các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của tỉnh, nhất là các dự án: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 10 đoạn Yên Mô-Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (tuyến ĐT.480E cũ); xây dựng tuyến đường Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) - Ba Sao (Hà Nam) đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II).

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương điều hành chi ngân sách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội; ưu tiên tập trung nguồn vốn để đầu tư các công trình, dự án trọng tâm của tỉnh; thực hiện rà soát, cắt giảm các công trình, dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách. Chỉ thực hiện giải ngân các công trình, dự án, nhiệm vụ theo tiến độ thu ngân sách.

Ngoài ra, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn ĐTC theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/ NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC; đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn NSNN được giao.

Tô Ngọc

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-kho-khan-khien-ninh-binh-tut-thu-hang-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-155932.html