Nhiều khó khăn trong phát triển liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Với mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành trung tâm kinh tế biển mạnh, trở thành vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, song không ít khó khăn đang đặt ra phía trước cho khu vực này.

Vị trí địa kinh tế, địa chiến lược.

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Ở vị trí trung độ của đất nước, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam có các tuyến quốc lộ nối các cảng biển của vùng đến Tây Nguyên, Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar theo tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) và Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS); Vùng KTTĐ miền Trung được xác định không chỉ có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn có vị trí quan trọng để trở thành đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, chế biến của Vùng Mê Kông lớn và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vùng hiện có 4 khu kinh tế ven biển, 4 cảng nước sâu, 4 sân bay, rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, logistics gắn với cảng biển và du lịch.

Nhiều địa phương trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của toàn khu vực. Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay, trong chiến lược phát triển liên kết vùng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định được xác định là cực tăng trưởng phía Nam của vùng. Do đó, sự phát triển của Bình Định không chỉ đóng góp chung vào sự phát triển toàn vùng mà còn góp phần thúc đẩy sự hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh phía Nam của vùng như: Phú Yên, Khánh Hòa và đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên như: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.

Cảng Chu Lai - Quảng Nam - điểm sáng phát triển kinh tế biển tại miền Trung

Cảng Chu Lai - Quảng Nam - điểm sáng phát triển kinh tế biển tại miền Trung

Theo ông Phan Việt Cường - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam - miền Trung được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế về biển đảo và danh lam thắng cảnh, Vùng KTTĐ miền Trung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế khác gắn liền với biển. Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, sự phấn đấu nỗ lực các chính quyền địa phương, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đạt được những kết quả nổi bật như: Tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định và đạt khá; năng lực cạnh tranh của vùng được cải thiện, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng chiếm tỷ trọng lớn... tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2018 đạt 3,32 triệu USD.

Khó khăn cản trở sự phát triển

Theo đánh giá, mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, tuy nhiên, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là “vùng trũng”. Giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng chỉ đạt 6,8%, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước. GRDP bình quân đầu người chỉ bằng 50% Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và bằng 70% Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Nguyên nhân chính là do đây là vùng chịu sự khắc nghiệt của thiên tai, lũ lụt, hạn hán; địa hình hẹp, trải dài, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đi lại còn khó khăn, nên việc liên kết phát triển rất hạn chế, vì vậy các tỉnh trong vùng chưa khai thác và phát huy tốt hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình. Ngoài ra, các dự án trọng điểm về giao thông liên tỉnh, liên vùng như đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, các tuyến quốc lộ kết nối với Tây Nguyên, phát triển các sân bay quốc tế còn chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng so với các Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Có nhiều ý kiến cho rằng, so với các vùng KTTĐ khác thì vùng KTTĐ miền Trung với xuất phát điểm thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, lại chưa có địa bàn nào phát triển thật sự mạnh nhằm tạo được sức lan tỏa chung. Theo đó, Vùng KTTĐ miền Trung vẫn là vùng nghèo của cả nước với mức thu nhập bình quân đầu người và mức GRDP bình quân đầu người chỉ xấp xỉ mức bình quân cả nước. Lãnh thổ trải rộng và địa hình phức tạp đang cản trở tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Cụ thể, khi so sánh về mật độ tập trung kinh tế (phản ánh quy mô và hiệu quả hoạt động kinh tế của vùng, đo lường bằng giá trị GRDP/km2), thì Vùng KTTĐ miền Trung có mật độ tập trung kinh tế thấp nhất trong các vùng KTTĐ, đạt giá trị 13,63 tỷ đồng/km2, trong khi Vùng KTTĐ Bắc bộ là 108,68 tỷ đồng/km2, Vùng KTTĐ phía Nam là 81,4 tỷ đồng/km2, Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long là 18,54 tỷ đồng/km2, mức bình quân cả nước là 16,73 tỷ đồng/km2. Cùng với đó, năng suất lao động của Vùng KTTĐ miền Trung chỉ tương đương với mức năng suất bình quân của cả nước, khoảng 101,7 triệu đồng/lao động trong khi Vùng KTTĐ Bắc bộ đã là 207,1 triệu đồng/lao động và Vùng KTTĐ phía Nam là 218,4 triệu đồng/lao động.

Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung chỉ ra những khó khăn và giải pháp khắc phục tại khu vực này

Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung chỉ ra những khó khăn và giải pháp khắc phục tại khu vực này

Vùng KTTĐ miền Trung đang đứng trước thách thức phải chuyển dịch nền kinh tế theo hướng hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu nhưng lại thiếu nguồn nhân lực tương ứng, Ông Phan Việt Cường nhìn nhận: “Mặc dù các địa phương trong Vùng KTTĐ miền Trung có lợi thế kinh tế khá tương đồng, tập trung số lượng hạ tầng cảng biển, sân bay nhiều nhất trong cả nước nhưng cơ chế phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng KTTĐ chưa được tổ chức tốt nên chưa phát huy được lợi thế”.

Đặc biệt, sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, phương thức sản xuất ở các địa phương vùng duyên hải miền Trung được xem là những điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành lại được cho là những trở lực lớn trước tư duy cục bộ địa phương. Tác động của sự biến đổi khí hậu và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Vùng KTTĐ miền Trung.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-kho-khan-trong-phat-trien-lien-ket-vung-kinh-te-trong-diem-mien-trung-124354.html