Nhiều khó khăn trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở Điện Biên

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai tại Điện Biên một thời gian, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề dang dở cần giải quyết.

Giáo viên và học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên) trong giờ dạy học.

Giáo viên và học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên) trong giờ dạy học.

Nhiều khó khăn còn đó...

Đến năm học 2024-2025, Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp học, từ tiểu học đến trung học phổ thông. Ngành GD&ĐT Điện Biên đã nỗ lực triển khai chương trình theo đúng kế hoạch, lộ trình và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Tại các cơ sở giáo dục, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá đã được đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, giúp học sinh tiến bộ toàn diện hơn. Đội ngũ giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Công tác lựa chọn sách giáo khoa (SGK), biên soạn và sử dụng tài liệu giáo dục địa phương cũng được thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo tinh thần đổi mới.

Cụ thể, cơ sở vật chất giáo dục trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, nhiều công trình đã xuống cấp hoặc không đáp ứng được yêu cầu về diện tích. Tỷ lệ phòng học bán kiên cố và phòng học tạm còn cao, thiếu các phòng học chức năng và công trình phụ trợ cần thiết.

 Học sinh Trường THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên) ôn thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh Trường THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên) ôn thi tốt nghiệp THPT.

Đến nay, tỉnh vẫn thiếu nhiều giáo viên so với định mức quy định, đặc biệt là ở các môn học đặc thù như Tiếng Anh, Tin học. Việc tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển. Một số giáo viên phải kiêm nhiệm nhiệm vụ liên cấp, liên trường, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.

Đối với học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, việc học tập và ôn luyện sẽ gặp nhiều áp lực do khối lượng kiến thức lớn, cùng với yêu cầu thích nghi với phương pháp học tập và kiểm tra mới. Thêm vào đó, sự thay đổi về cách thức và nội dung thi, cùng yêu cầu cao về kỹ năng tư duy và sáng tạo, khiến học sinh cần nỗ lực nhiều hơn trong học tập và rèn luyện. Việc thiếu tài liệu học tập và ôn thi phù hợp cũng là một thách thức lớn.

Cô Phạm Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên), cho biết: “Khác với Chương trình GDPT 2006, chương trình mới chuyển trọng tâm từ kiểm tra kiến thức, kỹ năng sang đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh. Sự chuyển đổi này là trở ngại lớn đối với cả giáo viên và học sinh. Với tư cách là giáo viên Ngữ văn dạy lớp 12, tôi chịu nhiều áp lực trong việc giúp các em vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những thay đổi trong nội dung kiểm tra, đánh giá buộc tôi và các đồng nghiệp phải nỗ lực tìm phương pháp giảng dạy phù hợp nhất.”

Giải pháp đề ra...

Để khắc phục những khó khăn trong triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học 2024-2025, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Đoạt đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Có thể kể đến như: Thứ nhất, bổ sung đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu và chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của học sinh. Cần xây dựng chính sách thu hút giáo viên, cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt cho giáo viên tại vùng sâu, vùng xa, để họ yên tâm công tác.

Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự hỗ trợ từ phụ huynh, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở vật chất.

 Buổi sinh hoạt chuyên đề cấp huyện tại Trường PTDTBT TH Trần Văn Thọ, huyện Mường Nhé (Điện Biên).

Buổi sinh hoạt chuyên đề cấp huyện tại Trường PTDTBT TH Trần Văn Thọ, huyện Mường Nhé (Điện Biên).

Thứ ba là việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông thông qua việc tổ chức khảo sát chất lượng đầu vào, đầu ra, gắn trách nhiệm và đánh giá hiệu quả quản lý của nhà trường, tổ chuyên môn và từng giáo viên sau mỗi năm học.

Thứ tư là, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo cụm chuyên môn và hội thảo chuyên đề.

Giải pháp cuối cùng là việc tổ chức phụ đạo, ôn thi tốt nghiệp THPT một cách phù hợp với năng lực của từng nhóm học sinh. Các trường cần xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể, thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh kế hoạch để đạt kết quả tốt nhất.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành GD&ĐT Điện Biên kỳ vọng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 sẽ khắc phục được khó khăn, đạt hiệu quả cao trong năm học 2024-2025.

Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-kho-khan-trong-thuc-hien-chuong-trinh-gdpt-2018-o-dien-bien-post712603.html