Nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu ngân hàng (Bài 1): Khắc phục trở ngại trong thi hành án tín dụng, ngân hàng
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ những giải pháp xử lý, hạn chế nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tàu cá theo Nghị định 67 neo đậu tại Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn). Ảnh: PV
Công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng có vai trò quan trọng trong “bài toán” xử lý nợ xấu. Những năm qua, số vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng mà các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) phải tiếp nhận chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng án phải thi hành, số tiền phải giải quyết chiếm tỷ lệ rất cao. Do đó, cần nhiều hơn những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vụ việc giá trị lớn, phức tạp.
Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 các cơ quan thi hành án trong tỉnh đã thụ lý, tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng gần 800 vụ với số tiền lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, đã thi hành xong gần 200 vụ với số tiền gần 400 tỷ đồng. Kết quả thi hành án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tuy đã có thay đổi tích cực nhưng chưa đột phá. Nguyên nhân do nhiều vụ việc sau khi thụ lý, xác minh tài sản bảo đảm chưa rõ ràng, tài sản còn chồng lấn, không đúng với hiện trạng tài sản như hợp đồng thế chấp. Đặc biệt, có những loại tài sản thế chấp là công trình xây dựng xây chồng lấn sang đất của người thứ ba liền kề; một số vụ việc tài sản thế chấp là ô tô, máy móc thiết bị công trình xây dựng đến giai đoạn thi hành án thì không xác định được tài sản ở đâu, do ai quản lý. Điển hình như vụ việc Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Phúc Thành, đơn vị được thi hành án là Ngân hàng Thương mại CP Công thương, số tiền được thi hành án gần 40 tỷ đồng; tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 171 Thành Thái, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa). Theo hợp đồng thế chấp, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Phúc Thành thế chấp cho ngân hàng 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tài sản gắn liền với đất là văn phòng làm việc và nhà nghỉ 6 tầng với diện tích xây dựng là 319m2, diện tích sàn là 1.790m2. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án, kết quả xác minh, trích đo thửa đất, tài sản gắn liền trên đất vào ngày 22-9-2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa thì hiện trạng công trình này không phù hợp với hồ sơ thế chấp. Cụ thể, về số tầng thế chấp là 6 nhưng thực tế là 9 tầng với tổng diện tích sàn là 2.703,6m2, tăng 913,6m2. Diện tích xây dựng khách sạn nằm ngoài quyền sử dụng đất được Nhà nước công nhận là 27,4m2 đất. Nhà nghỉ kết hợp nhà ăn 3 tầng với kết cấu gắn liền với khách sạn 9 tầng, diện tích sàn là 216,9m2 (nằm ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)... Do tài sản thực tế không đúng với hiện trạng tài sản như hợp đồng thế chấp nên quá trình thực hiện thi hành án vụ việc gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa phối hợp trong việc nhận tài sản bán đấu giá không thành để đổi trừ vào khoản được thi hành án theo quy định tại Khoản 2 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Một số trường hợp việc thẩm định nhận thế chấp tài sản chưa chặt chẽ dẫn đến giai đoạn thi hành án khó khăn, kéo dài, như: quy trình thẩm định cho vay, lập hồ sơ cho vay vốn. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng không thực hiện đúng quy trình, quy định, không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định ký nguồn gốc giá trị tài sản hoặc thẩm định cao hơn thực tế. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm tăng lượng án tồn chuyển kỳ sau của các đơn vị thi hành án đối với loại vụ việc này. Điển hình như các trường hợp cho vay đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là những vụ việc có tính chất mới nên trong quá trình giải quyết đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn và pháp luật. Cụ thể, do các con tàu là tài sản động, thường xuyên đi đánh bắt xa bờ, có thể cập bến ở nhiều cảng cá nên khi bị thi hành án rất khó xác định. Bản thân các chủ tàu khi đã bị khởi kiện, đến giai đoạn thi hành án thường có thái độ bất hợp tác, tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành. Việc tổ chức kê biên, xử lý đối với tài sản là tàu cá là hoàn toàn mới; việc cưỡng chế kê biên xử lý tài sản trong thi hành án cần sự phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp nên gặp khó khăn. Nhất là việc tìm tổ chức thực hiện việc trông giữ, bảo quản, lai dắt tàu, các biện pháp bảo đảm an toàn khi kê biên, chưa kể chi phí cho quá trình kê biên xử lý tài sản là rất lớn.
Hiện nay, việc thu hồi nợ đối với các khoản vay đóng tàu cá theo Nghị định 67 gặp không ít khó khăn. Đa phần các cuộc bán đấu giá tài sản thành công, khoản thu hồi được rất nhỏ so với khoản nợ mà chủ tàu đã vay từ các ngân hàng. Đơn cử như vụ việc thi hành án giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Lộc - Bắc Thanh Hóa (Agribank Hậu Lộc) với gia đình ông Nguyễn Văn Tươi tại thôn Minh Thọ, xã Minh Lộc (Hậu Lộc). Được biết năm 2017, ông tươi vay hơn 9,1 tỷ đồng từ Agribank Hậu Lộc theo Nghị định 67 để đóng mới tàu cá vỏ gỗ mang ký hiệu TH 92886, công suất 829CV. Do đánh bắt không đạt hiệu quả, thua lỗ, không trả được nợ trong nhiều năm nên ông bị ngân hàng khởi kiện ra tòa. Theo bản án tuyên năm 2021 của Tòa án Nhân dân huyện Hậu Lộc thì gia đình ông phải trả nợ gần 10 tỷ đồng, trong đó nợ gốc trên 9,1 tỷ và gần 825 triệu đồng lãi cho ngân hàng. Chi cục THADS huyện Hậu Lộc đã ban hành quyết định thi hành án đối với gia đình ông Tươi. Tuy nhiên, hiện nay con tàu này đã xuống cấp, nhiều hạng mục không còn hoặc đã hư hỏng, tàu không thể hoạt động bình thường. Hiện Chi cục THADS huyện Hậu Lộc phải thuê một công ty để trông coi, bảo quản tàu.
Nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong việc thực hiện các vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, thời gian qua Cục THADS tỉnh và NHNN Thanh Hóa phối hợp cung cấp thông tin cho nhau trong công tác xử lý nợ xấu; phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cùng với đó, Cục THADS tỉnh còn chú trọng các biện pháp thuyết phục, tuyên truyền đương sự tự nguyện thi hành án, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành.
Để giải quyết những khó khăn, nâng cao kết quả thi hành án liên quan đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng, Cục THADS tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như: Tổ chức hội nghị liên ngành với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, NHNN Thanh Hóa; các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh để triển khai công tác phối hợp; thống nhất chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án các vụ việc có liên quan đến hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Chú trọng các biện pháp giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Bên cạnh đó, Cục THADS tỉnh đề xuất NHNN Thanh Hóa chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; phối hợp hiệu quả với các cơ quan THADS trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng; kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản bảo đảm, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết thì tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi. Trong quá trình thi hành án, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong việc giải quyết thi hành án; đẩy mạnh phối hợp trong công tác xác minh, thông báo thi hành án, kê biên và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Trường hợp tài sản không bán được, đề nghị ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét có hướng nhận tài sản để bảo đảm thi hành án, vì hầu hết các vụ việc tồn đọng hiện nay đã kê biên, giảm giá nhiều lần không bán được.
Với những giải pháp đồng bộ đang được thực hiện, tin tưởng bài toán khó trong thi hành án tín dụng, ngân hàng sẽ bảo đảm, đạt và vượt các chỉ tiêu thi hành án trong năm.
Nhóm PV
Bài 2: Bất cập trong hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng Nhân dân.