Nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu ngân hàng (Bài 2): Bất cập trong hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng Nhân dân
Sự ra đời của hệ thống quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) đã mang lại nguồn cung cấp tín dụng rất tốt cho người dân ở nông thôn, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn đó những 'hạt sạn' dẫn đến thất thoát tài sản, gia tăng tỷ lệ nợ xấu, gây nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng đến quyền lợi và niềm tin của người gửi tiền.
Nhiều hộ dân xã Định Tăng (Yên Định) vay vốn của QTDND Quý Lộc đầu tư hiệu quả. Ảnh: P.V
Đến đầu tháng 5-2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 67 QTDND được cấp phép hoạt động tại 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố với tổng nguồn vốn hoạt động là 8.083 tỷ đồng. Tổng dư nợ cấp tín dụng là 6.192 tỷ đồng của 30.215 thành viên vay vốn/117.747 thành viên tham gia QTDND. Chất lượng tín dụng của các quỹ cơ bản bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã chú trọng công tác thanh tra, giám sát để các QTDND hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc. Tuy nhiên, vẫn có không ít quỹ còn bộc lộ một số hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất an toàn hệ thống. Trong quản trị, điều hành và kiểm soát, hoạt động của hội đồng quản trị, ban kiểm soát, giám đốc một số quỹ chưa đúng chức năng, nhiệm vụ và còn chồng chéo; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ chủ chốt chưa được quan tâm đúng mức. Về hệ thống kiểm soát nội bộ và hoạt động của kiểm toán nội bộ, một số quỹ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung điều lệ theo quy định; bộ phận kiểm toán nội bộ hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đối với hoạt động nghiệp vụ, kinh doanh vẫn còn nhiều sai sót trong việc cho vay, huy động vốn, chế độ tài chính và an toàn kho quỹ. Cụ thể, có những quỹ cho khách hàng vay, nhưng thiếu giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn hoặc mục đích vay vốn chưa phù hợp; thẩm định hồ sơ chưa chặt chẽ, thiếu tài liệu để xác định hạn mức cho vay; công tác kiểm tra, giám sát vốn vay còn sơ sài, chưa phản ánh rõ tình hình hoạt động và kết quả sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, thành viên tự nguyện tham gia góp vốn vào QTDND còn hạn chế, việc góp vốn chủ yếu là từ các thành viên sáng lập; quy mô vốn tự có còn thấp, nguồn vốn hoạt động phần lớn phụ thuộc vào huy động tiền gửi của khách hàng nên tiềm ẩn rủi ro lớn về thanh khoản khi khách hàng rút tiền đột ngột, nhất là trong bối cảnh thị trường nông sản, bất động sản trên địa bàn tỉnh đang diễn biến bất thường...
Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra của NHNN Thanh Hóa đã phát hiện một số sai sót trong công tác quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, cho vay vốn. Cụ thể, tại một số QTDND, hội đồng quản trị, giám đốc, kiểm soát viên chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và điều lệ của quỹ tín dụng; thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên, chỉ đạo, khuyến nghị, cảnh báo của NHNN chưa kịp thời, chưa hiệu quả; quá trình quản trị, điều hành của hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị còn yếu kém trong việc tổ chức thực hiện quyền tự chủ hoạt động. Một số quỹ, giám đốc chưa nghiên cứu kỹ về cơ chế, quy định của pháp luật, chưa giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ nên vẫn để xảy ra các tồn tại trong hoạt động nghiệp vụ; bố trí cán bộ là người có liên quan cùng tham gia một quy trình... Trong công tác tín dụng: tồn tại, vi phạm trong việc thiết lập hồ sơ vay, thẩm định và quyết định cho vay, công tác giải ngân, thu nợ, lãi suất cho vay, thu phí; cho vay không bảo đảm nguyên tắc và điều kiện vay vốn, không chấp hành các quy định về bảo đảm tiền vay, kiểm tra giám sát vốn vay... Điển hình: cho vay mới trả nợ cũ, vay cho người khác sử dụng, phương án vay vốn không khả thi, cho vay đối với khách hàng đang có nợ xấu, vi phạm giới hạn cấp tín dụng, cho vay khách hàng ngoài địa bàn hoạt động, khách hàng sử dụng thẻ thành viên của người khác, lập hồ sơ vay để sử dụng tiền vay góp vốn bổ sung vốn điều lệ cho cán bộ quỹ tín dụng, cho vay vượt nhu cầu vốn, xuất tài sản thế chấp khi khách hàng vẫn còn dư nợ...
Trước đó, hàng loạt sai phạm tại các QTDND bị phát hiện, đã khởi tố bắt giam một số cán bộ QTDND làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh - trật tự tại địa phương, như khởi tố bị can đối với một số cán bộ, lãnh đạo quản lý các QTDND Hoằng Đồng, Hoằng Trinh (Hoằng Hóa), Vân Sơn (Triệu Sơn). Hiện cả 3 QTDND này đều trong diện kiểm soát đặc biệt.
Quỹ TDND Quý Lộc (Yên Định) hoạt động đúng tôn chỉ, tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn phát triển kinh tế hiệu quả. Ảnh: P.V
QTDND không phải là chủ thể trực thuộc NHNN mà là tổ chức kinh tế độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả hoạt động. NHNN Thanh Hóa có trách nhiệm thẩm định, cấp giấy phép, quản lý, thanh tra, giám sát xử lý vi phạm, hướng dẫn nghiệp vụ cho quỹ. Được biết, nhằm khắc phục hạn chế tại các QTDND, đồng thời phát huy vai trò loại hình tín dụng này trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, NHNN Thanh Hóa đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, phân loại các quỹ hoạt động kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Yêu cầu các quỹ tự rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động, ưu điểm, hạn chế, tồn tại. Từ đó cơ cấu lại tổ chức nhân sự, thay thế các thành viên quản lý, cán bộ tín dụng, kiểm soát không đáp ứng tiêu chuẩn trình độ, năng lực, đạo đức, hạn chế việc những người có quan hệ cùng huyết thống làm việc trong một quỹ...
Giám đốc NHNN Thanh Hóa Tống Văn Ánh cho biết: Để thực hiện đề án xử lý nợ xấu, NHNN Thanh Hóa cũng tập trung chỉ đạo các QTDND triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tại Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thống đốc NHNN Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 209/QĐ-NHNN, ngày 31-1-2019. Chỉ đạo các QTDND xây dựng quy định chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; xây dựng thang bảng lương, phụ cấp phù hợp với kết quả kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không hạ thấp các điều kiện cấp tín dụng, phản ánh trung thực, khách quan nợ xấu, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định, nâng cao năng lực tài chính nhằm gia tăng khả năng chịu đựng trước những khó khăn và các rủi ro có thể xảy ra... Tập trung đánh giá, nhận diện, phân loại các QTDND yếu kém để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xử lý những tồn tại, yếu kém của QTDND.
Bên cạnh đó, các QTDND chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với diễn biến của thị trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn hoạt động; chú trọng nâng cao năng lực tài chính, công tác quản trị điều hành, kiểm soát; nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro; tuân thủ đúng các quy định về an toàn trong hoạt động, các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật; đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, phát huy tối đa lợi thế trong hoạt động của QTDND nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bảo đảm an sinh xã hội.
Trên thực tế, hoạt động của QTDND tại các địa phương đã góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, giúp người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của QTDND cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, tiềm ẩn rủi ro. Những hạn chế, yếu kém này của hệ thống QTDND rất cần được các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ, giám sát các quỹ này hoạt động đúng pháp luật, phát huy được hiệu quả nguồn vốn, an toàn, hiệu quả, giảm tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế, ổn định tình hình tại các địa phương.
Nhóm P.V
Bài cuối: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xử lý nợ xấu.