Nhiều khó khăn với cán bộ quản lý, bảo vệ rừng

Diện tích lâm phần quản lý lớn, điều kiện đi lại khó khăn, nhân sự ít, chế độ thấp… là những gì mà cán bộ quản lý, bảo vệ rừng trên toàn tỉnh phải đối mặt.

Để đi kiểm tra khu vực rừng giáp ranh Phú Yên - Khánh Hòa, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải mất 2 ngày mới hoàn thành việc di chuyển. Ảnh: NGÔ NHẬT

Để đi kiểm tra khu vực rừng giáp ranh Phú Yên - Khánh Hòa, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải mất 2 ngày mới hoàn thành việc di chuyển. Ảnh: NGÔ NHẬT

Nhiều áp lực

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Đồng Xuân, tổng diện tích tự nhiên của đơn vị quản lý là 21.421ha, nằm trên địa phận quản lý hành chính của các xã Phú Mỡ và Xuân Lãnh. Vị trí địa lý trải rộng tiếp giáp với nhiều tỉnh, dân cư sống gần rừng 100% là đồng bào DTTS, đời sống khó khăn. Từ đó cho thấy công việc quản lý bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy trên lâm phần hết sức phức tạp.

Tuy nhiên, số lượng biên chế được giao cho đơn vị là 22 người, trong đó chỉ 14 người làm việc ở các trạm quản lý bảo vệ rừng. Ước tính mỗi nhân viên trạm quản lý 1.530ha, chủ yếu là rừng phòng hộ, trạng thái rừng tự nhiên. Đối với rừng trồng phân bố nhiều cụm đám, không đủ nhân viên bố trí trực theo khu vực, nên dễ xảy ra cháy rừng và lấn chiếm đất trái phép.

Bên cạnh đó, điều kiện đi lại của các nhân viên Ban QLRPH huyện Đồng Xuân rất khó khăn. Để đi đến các chốt, nhân viên phải trải qua quãng đường 30-40km, có nơi đến 80km như khu vực Bốn Tiếng, Núi Thơm. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban QLRPH huyện Đồng Xuân, lương và các chế độ của nhân viên tại đơn vị đều thấp so với trách nhiệm phải thực hiện và hoàn thành.

Đối với Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, theo Quyết định 658/QĐ-UBND ngày 14/5/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lâm phần đơn vị này nằm trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Sơn Hòa gồm: Ea Chà Rang, Suối Trai, Sơn Phước, Suối Bạc, Cà Lúi, Sơn Hội, với tổng diện tích tự nhiên 10.161ha. Trong đó, đất có rừng 7.928ha (rừng tự nhiên 7.819,28ha, rừng trồng 108,72ha), đất chưa có rừng 2.233ha. Tuy nhiên, nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng chỉ do 10 nhân viên đảm nhận, đáng nói là hai trong số đó lại lớn tuổi, đau bệnh thường xuyên.

“Với nhân sự như hiện nay, chúng tôi gặp nhiều áp lực trong công việc. Dù rất nỗ lực, nhưng rừng vẫn bị phá, do lực lượng mỏng. Khi triển khai giữ khu này thì rừng bị phá ở khu khác. Tình hình phá rừng, phát luỗng, khai thác gỗ vẫn diễn ra”, ông Huỳnh Tấn Trương, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai cho biết.

Qua tìm hiểu ở các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh, tình trạng thiếu nhân sự, trang thiết bị phục vụ công việc, điều kiện làm việc khó khăn, trong khi trách nhiệm đối với việc quản lý bảo vệ rừng hiện nay là rất lớn. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ cho nhân viên đang làm nhiệm vụ tại các địa phương được xem là điểm nóng về công tác giữ rừng trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng bảo vệ rừng làm công tác tuần tra, kiểm tra trong điều kiện khó khăn, vất vả. Ảnh: NGÔ NHẬT

Lực lượng bảo vệ rừng làm công tác tuần tra, kiểm tra trong điều kiện khó khăn, vất vả. Ảnh: NGÔ NHẬT

Diện tích rừng tăng, nhân lực không đảm bảo

Sở NN&PTNT cho biết, tính đến năm 2023, diện tích rừng toàn tỉnh là 257.169,6ha (rừng tự nhiên: 126.953,87ha, rừng trồng 130.215,79ha), tăng đáng kể so với năm 2020 (243.874,96ha). Tỉ lệ che phủ rừng đạt 47,6%. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật lâm nghiệp vẫn còn xảy ra, số vụ phá rừng (hủy hoại rừng) chưa xác định đối tượng vi phạm còn nhiều, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến công tác nhân sự. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, năm 2015 lực lượng được giao 158 biên chế, hiện nay giảm còn 135 biên chế (tinh giản 23 biên chế theo Nghị định 108). Tuy nhiên, số nhân lực hiện có chỉ là 128 người (thiếu 7 biên chế chưa tuyển đủ). Theo Sở NN&PTNT, dù đã tổ chức thi tuyển nhiều lần, nhưng do không có người đăng ký thi vào ngành Kiểm lâm, nên chưa thể bổ sung số biên chế còn lại.

Đối với các biên chế của Ban QLRPH, chỉ tiêu giao là 104 người, nhưng biên chế hiện chỉ có 87 người. Trong khi đó, theo quy định, UBND cấp xã được giao nhiệm vụ quản lý diện tích rừng chưa giao, cho thuê, nhưng nguồn lực (kinh phí, con người) để làm nhiệm vụ này chưa được bố trí ở các địa phương.

Lấy dẫn chứng về tình trạng thiếu nhân sự khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng khó khăn, như trường hợp của TX Sông Cầu. Đây là một trong những địa phương có diện tích rừng cần bảo vệ và quản lý lớn (28.357,6ha). Tuy nhiên, hiện chỉ có 6 biên chế đang làm việc tại Hạt Kiểm lâm TX Sông Cầu (2 lãnh đạo, 1 cán bộ kỹ thuật, 1 cán bộ pháp chế, 2 cán bộ phụ trách địa bàn).

“Với điều kiện nhân sự như vậy, quản lý trên 28.000ha rừng là điều rất khó khăn. Để đảm bảo nhiệm vụ, mỗi công chức kiểm lâm địa bàn phải kiêm nhiệm nhiều xã, địa bàn hoạt động rộng, đồi núi hiểm trở, nên không kiểm tra quán xuyến hết công việc. Do đó, trong thời gian qua trên địa bàn TX Sông Cầu có xảy ra các vụ phá rừng”, ông Huỳnh Xuân Quang, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết.

Tăng cường phối hợp và hỗ trợ

Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, kiểm lâm là lực lượng có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Đây cũng là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy rừng…, thực hiện việc tham mưu, giúp chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.

Đối với các chủ rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao rừng, công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng… có nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo quy định của pháp luật. Các đơn vị này cũng có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng, đất rừng quy hoạch lâm nghiệp, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản thuộc phạm vi diện tích được giao. Trong khi đó, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp các ngành, địa phương, các cơ quan đoàn thể xây dựng quy chế thông tin phối hợp trong công tác tuyên truyền, tuần tra bảo vệ rừng và kiểm tra xử lý các đối tượng vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

“Ngoài những giải pháp đã chỉ rõ trong các văn bản chỉ đạo, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan công an, Viện KSND quan tâm phối hợp hỗ trợ về mặt nghiệp vụ, nhân sự cho lực lượng kiểm lâm trong công tác điều tra xử lý. Đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng, trang bị phương tiện cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và lực lượng bảo vệ cấp xã để thực thi tốt nhiệm vụ trong thời gian tới”, ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

NGÔ NHẬT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320137/nhieu-kho-khan-voi-can-bo-quan-ly-bao-ve-rung.html