Nhiều khoản thu ngân sách đạt và vượt dự toán

Đại diện lãnh đạo ngành thuế cho rằng, các chỉ số sản xuất công nghiệp, đầu tư, thương mại... tăng trưởng đã giúp cho việc thu ngân sách của ngành thuế 10 tháng ước đạt 94,8% dự toán pháp lệnh.

So với cùng kỳ, có 55/63 địa phương có tăng trưởng thu. Còn 8/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa

So với cùng kỳ, có 55/63 địa phương có tăng trưởng thu. Còn 8/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa

10 tháng, ngành thuế thu đạt 1,4 triệu tỷ đồng

10 tháng qua, toàn ngành thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; quản lý, đôn đốc thu hồi nợ; hoàn thuế; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin...

Đặc biệt, các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã giúp tháo gỡ những khó khăn, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Lũy kế 10 tháng, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.408.486 tỷ đồng, bằng 94,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 116,3% so với cùng kỳ, nếu loại trừ chính sách thì tăng 12,8% so cùng kỳ. Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt 48.857 tỷ đồng, bằng 106,2% so với dự toán, bằng 94% so với cùng kỳ.

Thu nội địa ước đạt 1.359.629 tỷ đồng, bằng 94,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,3% so với cùng kỳ, chủ yếu do chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước tăng cao. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.040.266 tỷ đồng, bằng 95,9% so với dự toán pháp lệnh, nếu loại trừ chính sách gia hạn, chính sách tác động làm tăng thu ngân sách thì thu thuế, phí nội địa 10 tháng đầu năm 2024 tăng 7,6% so cùng kỳ.

17/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (trên 88%), trong đó một số khoản thu lớn như: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 94,3%; thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 98,7%; thu phí - lệ phí ước đạt 98,5%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước đạt 154,3%; thu từ hoạt động xổ số ước đạt 99,3%;...

Còn 3/20 khoản thu đạt dưới 88% như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 86,8%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 76%; thu cổ tức, lợi nhuận được chia ước đạt 76,7%.

So với cùng kỳ, có 18/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng trong đó một số khoản thu lớn: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tăng 2,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước tăng 5,8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước tăng 13,5%; thuế thu nhập cá nhân ước tăng 16,6%; thu phí - lệ phí ước tăng 19,4%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước tăng 49,8%; thu từ hoạt động xổ số ước tăng 8,6%;...

Còn 2/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ là: Thu cổ tức, lợi nhuận được chia ước bằng 82,8%; thu thuế sử dụng đất nông nghiệp ước bằng 67,7%.

Tính theo địa bàn, có 38/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (trên 88%), trong đó, có 17/38 địa phương đã thu đạt và vượt dự toán giao. Còn 25/63 địa phương có tiến độ thu dưới 88%, trong đó còn 14/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 80% dự toán).

So với cùng kỳ, có 55/63 địa phương có tăng trưởng thu. Còn 8/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Phấn đấu thu vượt 10% dự toán

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Mạnh Cường nhấn mạnh, để đảm bảo quản lý tốt các nguồn thu, ngành thuế sẽ sửa đổi Quyết định số 1388/QĐ-TCT về áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra sau hoàn thuế. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng bộ tiêu chí để robot trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý một số công việc, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử.

Còn theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng, với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục Thuế, công tác hoàn thuế đã có những cải thiện đáng kể, số hồ sơ tồn đọng đã giảm mạnh, đặc biệt là tại điểm nóng TP Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý thuế, ngành thuế cần tiếp tục nghiên cứu, đàm phán và mua cơ sở dữ liệu từ các tổ chức nước ngoài để có thể thực hiện cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đối với các DN đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN Nhật Bản.

Việc đưa AI vào phân hệ kiểm tra thuế điện tử là nhiệm vụ rất cần thiết cho ngành, nên cần nghiên cứu để triển khai sớm. Trước mắt, áp dụng AI cho phòng chống gian lận hóa đơn và tiếp tục nghiên cứu cho mục đích phát hiện các nguồn thu còn tiềm ẩn, các DN lẩn thuế, tránh thuế.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều phức tạp thì quyết tâm của ngành thuế trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN phải được nhân lên hơn nữa.

Theo đó, năm 2024, toàn ngành cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, phấn đấu thu đạt cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, đặc biệt là một số địa phương chưa đạt yêu cầu dự toán.

Về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và AI vào tất cả các khâu, các bước của công tác quản lý, cắt giảm các thủ tục hành chính.

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn thu ngân sách, người đứng đầu ngành thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp cần tập trung đấu tranh với các hình thức gian lận, trốn thuế; khoanh vùng đánh giá từng địa phương, xác định chính xác đối tượng có vi phạm, đặc biệt là trong các lĩnh vực hóa đơn điện tử và hoàn thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp cần đẩy mạnh xây dựng đội ngũ chuyên gia thuế theo các lĩnh vực, thường xuyên học tập trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế để ứng dụng vào thực tiễn ở Việt Nam, qua đó nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế./.

MINH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nhieu-khoan-thu-ngan-sach-dat-va-vuot-du-toan-36221.html