Nhiều khu dân cư tại Khánh Hòa ngập sâu trong đêm

Từ đêm 15/11 đến sáng 16/11, có 9 hồ chứa nước tại tỉnh Khánh Hòa điều tiết xả lũ do lượng mưa trên địa bàn tỉnh khá lớn. Tại khu vực sông Cái thuộc địa phận thành phố Nha Trang, nước lũ khiến nhiều vùng ven sông bị ngập sâu. Tuy nhiên, lũ cũng nhanh chóng rút từ nửa đêm, mực nước trên các sông bắt đầu giảm.

Nhiều tuyến đường tại thành phố Nha Trang bị ngập sâu.

Nhiều tuyến đường tại thành phố Nha Trang bị ngập sâu.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày và nước hồ Suối Dầu, huyện Cam Lâm ở phía thượng nguồn sông Cái xả lũ nên chiều tối qua nước lũ lên nhanh, gây ngập một số tuyến đường thuộc các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp và phường nằm ven sông Cái của huyện Diên Khánh, thành phố Nha Trang. Nước lũ trên đường 23/10 nối thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh cũng ngập khoảng 0,5m tại khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương.

Nhiều tuyến đường trong khu dân cư thuộc các xã, phường như Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Ngọc Hiệp, Vĩnh Ngọc... của thành phố Nha Trang đều bị ngập hơn nửa mét, giao thông gặp nhiều khó khăn. Nước lớn đã cuốn trôi 40m cầu gỗ Phước Kiểng (xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang).

Người dân xã Vĩnh Thanh, Nha Trang, dọn dẹp nhà chờ nước rút.

Người dân xã Vĩnh Thanh, Nha Trang, dọn dẹp nhà chờ nước rút.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa có gần 100ha hoa màu của thị xã Ninh Hòa bị ngập úng. Tại huyện Cam Lâm công trình thoát lũ ở xã Cam Thành Bắc đã bị sạt lở với chiều dài 30m, 10m kênh mương thoát nước xã Cam Phước Tây bị hư hỏng, 20m đường xã Cam An Bắc bị sạt lở.

Lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn hiện đạt 78% dung tích thiết kế. Các đơn vị quản lý, khai thác hồ chứa nước đã tiến hành xả điều tiết nước ở 9 hồ chứa với lưu lượng cao nhất ở mức hơn 57m3/giây (hồ Suối Dầu). Tình trạng ngập úng cục bộ đã xảy ra ở thành phố Cam Ranh, các huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Kánh Sơn và thị xã Ninh Hòa. Chính quyền các địa phương đã cắt cử lực lượng lập chốt chặn tại các điểm xung yếu như cầu tràn, bến sông, cảnh báo an toàn cho người dân. Thành phố Nha Trang, huyện Khánh Vĩnh đã phải di dời, sơ tán tổng số 28 hộ dân với hơn 110 người đến nơi ở tạm.

Nước lớn cuốn trôi 40m của Cầu gỗ Phước Kiểng (xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang), khiến việc đi lại qua khu vực này bị ảnh hưởng.

Nước lớn cuốn trôi 40m của Cầu gỗ Phước Kiểng (xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang), khiến việc đi lại qua khu vực này bị ảnh hưởng.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, 24 giờ qua, khu vực tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các nơi phổ biến từ 60-80mm; một số nơi trên 100mm như Vạn Phú (huyện Vạn Ninh) 142mm, Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh) 169mm, Suối Tiên (huyện Diên Khánh) 156mm...

Trên các sông đã xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 2-3. Hiện mực nước lũ trên sông Cái Nha Trang đã xuống dưới mức báo động 1; trên sông Dinh Ninh Hòa lũ giảm chậm, duy trì ở mức báo động 2-3. Trong các ngày 16 đến 17/11, khu vực tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ảnh hưởng của rìa phía nam áp cao lạnh lục địa tăng cường mạnh, kết hợp với nhiễu động gió động trên cao. Toàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông; mưa lớn tập trung trong ngày 16/11, sau đó có xu hướng giảm dần.

Tin, ảnh: Đặng Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhieu-khu-dan-cu-tai-khanh-hoa-ngap-sau-trong-dem-20231116121216068.htm