Nhiều khu vực nắng nóng gay gắt
Do ảnh hưởng của nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn.

Nhiều khu vực cục bộ có nắng nóng gay gắt. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/7, nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm tiếp tục xuất hiện như nắng nóng gay gắt, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất...
*Nhiều khu vực nắng nóng
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, ngày 15-16/7, khu vực từ Nghệ An đến Đà Nẵng, khu vực phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C;độ ẩm tương đối phổ biến ở mức thấp nhất từ 55-60%, thời gian nắng nóng từ 11-16 giờ.
"Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa", Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết Vũ Anh Tuấn lưu ý.
Cảnh báo, từ khoảng ngày 17-18/7, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Nắng nóng ở khu vực Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 19-20/7. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.
Do ảnh hưởng của nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ngoài ra, nắng nóng còn ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống người dân.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 11-14 giờ hàng ngày. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, phải dùng trang phục dài tay, dài chân và dùng nón che phủ đầu mặt để che chắn cho da càng nhiều càng tốt.
Người dân cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, hàng giờ (tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…) để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi...
Ngày 14/7, khu vực từ Nghệ An đến Đà Nẵng và phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C như: trạm Con Cuông (Nghệ An) 36,2 độ, trạm Hương Sơn (Hà Tĩnh) 36,8 độ C, trạm Đông Hà (Quảng Trị) 37 độ C, trạm Ba Tơ (Quảng Ngãi) 36,2 độ C, trạm Tuy Hòa (Đắk Lắk) 36,5 độ C,… Độ ẩm phổ biến ở mức thấp nhất từ 55-60%.
*Đề phòng lũ quét, sạt lở ở Lai Châu, Gia Lai và Đồng Nai
Cùng với đó, từ 8 giờ 30 phút đến 14 giờ 30 phút ngày 15/7, khu vực các tỉnh Lai Châu, Gia Lai và Đồng Nai tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 5-15 mm, có nơi trên 30mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các xã/phường: Pắc Ta; Mường Than, Nậm Sỏ, Pu Sam Cáp (tỉnh Lai Châu); Biển Hồ, Mang Yang, P. Thống Nhất; Ayun, Chư Păh, Đak Đoa, Hra, Ia Grai, Ia Hrung, Ia Krái, Ia Phí, KDang, Kon Gang, P. An Phú, P. Pleiku (tỉnh Gia Lai); Bom Bo, Bù Đăng, Thọ Sơn (tỉnh Đồng Nai). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Từ 4 giờ đến 7 giờ ngày 15/), khu vực các tỉnh trên đã có mưa vừa, mưa to như: Pắc Ta (Lai Châu) 56,4 mm; Biển Hồ (Gia Lai) 71mm; Đồng Nai (Đồng Nai) 51,4 mm;...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Cơ quan khí tượng thủy văn kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-khu-vuc-nang-nong-gay-gat/380391.html