Nhiều kiến nghị, đề xuất với Trung ương tại Diễn đàn 'Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022'

Tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) sáng nay (12/6), Ban Kinh tế Trung ương (TW), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn 'Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022'.

Hội nghị dưới sự chủ trì của các đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW; Trần Hồng Hà, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT; Phạm Đại Dương, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW phát biểu tại diễn đàn.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW phát biểu tại diễn đàn.

Diễn đàn đã đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị TW 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, đồng thời đề ra một số giải pháp, biện pháp phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ biển đảo quê hương của Đảng, Nhà nước, các thông điệp của Liên hợp quốc đến các cấp, ngành, địa phương, tạo sự lan tỏa trên diện rộng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chủ quyền biển, đảo; trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường biển, đảo trong cộng đồng; tạo điều kiện và quyền hợp pháp cho mọi người dân tham gia các hoạt động đóng góp chung vào những nỗ lực của quốc gia về bảo vệ môi trường biển, đảo bằng hành động cụ thể, thiết thực.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ, Việt Nam là quốc gia ven biển với gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải tại 28 tỉnh, thành, kinh tế biển đã đóng góp 60% GDP. Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt chú trọng vai trò của biển trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành TW khóa X năm 2007 đã ban hành “Chiến lược biển Việt Nam”, đến Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành TW khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Các đại biểu trao đổi thông tin tại diễn đàn.

Các đại biểu trao đổi thông tin tại diễn đàn.

Từ đó đến nay, các cơ quan TW và địa phương ven biển đã triển khai thực hiện Nghị quyết với kết quả tích cực, toàn hệ thống chính trị và người dân nâng cao nhận thức vị trí, vai trò biển, đảo trong phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia; hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển chủ động triển khai toàn diện; kinh tế biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả, công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng.

Ông Phạm Đại Dương, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên phát biểu tại diễn đàn.

Ông Phạm Đại Dương, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên phát biểu tại diễn đàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế TW đã chỉ ra một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để kiến nghị, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới. Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị diễn đàn tập trung thảo luận 5 nội dung. Đó là đánh giá, làm rõ việc tuyên truyền, quán triệt các chương trình, kế hoạch thực hiện và thể chế hóa chủ trương của Đảng trong Nghị quyết; đánh giá các chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế biển, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển, bảo vệ môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành kinh tế biển, trong đó có 6 ngành chủ đạo: du lịch - dịch vụ biển, hành hải, khai thác dầu khí – tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng – khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; phân tích thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chủ yếu nêu trong Nghị quyết, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển đồng bộ, hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển, bảo tồn và pát triển hài hòa, bền vững đa dạng sinh học biển, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; kiến nghị, đề xuất TW những giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới.

Vịnh Vũng Rô ở phía Nam Phú Yên - nơi có tiềm năng phát triển biển. Ảnh: Hữu Toàn

Vịnh Vũng Rô ở phía Nam Phú Yên - nơi có tiềm năng phát triển biển. Ảnh: Hữu Toàn

Diễn đàn đã ghi nhận một số đề xuất, kiến nghị trong tham luận của các Bộ Công thương, NN&PTNT, GTVT, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty hàng hải Việt Nam cùng Tỉnh ủy Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Thành ủy Đà Nẵng, Hải Phòng.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/nhieu-kien-nghi-de-xuat-voi-trung-uong-tai-dien-dan-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-viet-nam-nam-2022-i656835/