'Nhiều kiểu' khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự

Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời và ngay từ cơ sở là sự chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện quyết liệt, nhất quán từ cấp ủy đến chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, công tác này cũng gặp nhiều khó khăn; người trực tiếp giải quyết đôi khi phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng, nhất là ở lĩnh vực thi hành án dân sự.

Theo ông Thạch Minh Luân - Trưởng Phòng Giải quyết khiếu nại, tố cáo Cục Thi hành án dân sự, đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh không nhiều. Năm 2023, hai cấp chỉ tiếp nhận 19 đơn thư và đã giải quyết đạt gần 95%. Nội dung đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung việc cưỡng chế giao tài sản; không đồng tình nội dung bản án; chấp hành viên chậm tổ chức thi hành án, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ thủ tục. Tính chất các vụ việc khiếu nại, tố cáo có chiều hướng ngày càng gay gắt và phức tạp. Đáng nói, có cả trường hợp cố tình lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian thi hành án; trường hợp vô tội vạ trong khiếu nại, tố cáo với lối nghĩ “trúng ăn, trật huề”. Thậm chí, có trường hợp bị kích động, lôi kéo thực hiện khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.

Các cơ quan có thẩm quyền hoặc không có thẩm quyền về hoạt động thi hành án dân sự vẫn đã và đang liên tục nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của đương sự. Điển hình như trường hợp của bà C.H.H (Mỹ Tú) gửi đơn khiếu nại, tố cáo “khắp nơi” để kêu cứu. Sự tình là bà H.H đã thực hiện giao dịch dân sự với ông Đ (mua bán nhà) và giao dịch thành công, tức là phía bà H.H đã nhận tiền theo thỏa thuận. Tuy nhiên, tài sản này có phát sinh tranh chấp (đây là tài sản chung), tòa tuyên bà H.H phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền, phía ông Đ giao trả nhà và cả hai phải thực hiện cùng thời điểm. Trớ trêu là bà H.H muốn nhận lại nhà mà chẳng muốn trả lại tiền cho người khác, với lý do không có điều kiện thi hành án. Rồi vụ việc kéo dài, hiện trạng căn nhà thay đổi, mục nát theo thời gian và nhiều vấn đề phát sinh khác. Rồi bà H.H tố cáo cán bộ, đơn vị thi hành án và dùng những lời lẽ nặng nề, vì cho rằng bao nhiêu “lỗi lầm” là tại họ. Vụ việc của bà H.H đang được cơ quan có thẩm quyền tìm hướng giải quyết.

 Thi hành án dân sự hai cấp Sóc Trăng quan tâm thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: SỚM MAI

Thi hành án dân sự hai cấp Sóc Trăng quan tâm thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: SỚM MAI

Trường hợp khiếu nại, tố cáo của bà H.H không phải là hy hữu, việc cán bộ thi hành án bị khiếu nại, tố cáo là lẽ thường gặp. Bởi đặc thù hoạt động của thi hành án trực tiếp tác động đến quyền, lợi ích, tài sản của người phải thi hành án. Do vậy, các đương sự thường phản ứng gay gắt, quyết liệt và tìm mọi cách để chống đối, cản trở việc thi hành án. Có trường hợp, chấp hành viên giải quyết chậm cũng bị khiếu nại, tố cáo mà giải quyết nhanh cũng bị khiếu nại, tố cáo. Cán bộ thi hành án dân sự trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu ông T.H từng chia sẻ: “Tôi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục thi hành án theo quy định và vụ việc được Cục Thi hành án tiến hành xác minh, có văn bản trả lời cụ thể. Thế mà, đương sự vẫn gửi đơn khiếu nại, tố cáo, cho rằng tôi thực hiện không đúng, không có quyền buộc họ phải giao tài sản như bản án tuyên...”.

Thực tế, cán bộ thi hành án dân sự luôn phải chịu áp lực từ nhiều phía, nhất là cán bộ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một cán bộ phụ trách tiếp dân của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Tú từng trải lòng: “Nhiều đương sự vừa bước vào đơn vị đã chửi bới và dùng những lời lẽ thô tục, khó nghe. Họ không nhìn tới mặt người cán bộ tiếp dân thì nói gì tới việc nghe giải thích...”.

Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Sóc Trăng quan tâm chỉ đạo công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: SỚM MAI

Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Sóc Trăng quan tâm chỉ đạo công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: SỚM MAI

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là tất cả khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của đương sự là đều sai, không đúng sự thật. Những việc làm thiếu sót, sai trái của cán bộ thi hành án dân sự cũng đã từng xảy ra và đã bị xử lý nghiêm. Bà Bùi Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Sóc Trăng cho biết, lãnh đạo đơn vị luôn bảo vệ cán bộ làm đúng và đấu tranh đối với hành vi tố cáo sai sự thật. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ và kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, sai phạm. Hai cấp sẽ không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Thủ trưởng hai cấp sẽ thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định; chú trọng kiện toàn, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, am hiểu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, có kiến thức về xã hội, hiểu biết tâm lý thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân. Cục quan tâm công tác tự kiểm tra, kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề và tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời tháo gỡ, giúp cho công tác thi hành án dân sự ngày càng đạt hiệu quả hơn…

Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù và khó khăn riêng, cần có sự thông cảm, thấu hiểu và việc khiếu nại, tố cáo là điều cơ quan thi hành án dân sự không hề mong muốn. Nhưng muốn hạn chế tối đa tình trạng này, đòi hỏi hai cấp cần phải đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục; đảm bảo hoạt động thực hiện đúng trình tự, thủ tục và nêu cao tinh thần trách nhiệm.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nhieu-kieu-khieu-nai-to-cao-trong-thi-hanh-an-dan-su-68441.html