Nhiều kỹ thuật cao về thận tiết niệu được giới thiệu tại Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023
Sau 14 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á (FAUA 2009), năm nay (lần thứ 2), Việt Nam được Liên đoàn Tiết niệu của 10 nước Đông Nam Á trao trọng trách tổ chức Hội nghị khoa học FAUA 2023.
Hội nghị khoa học FAUA 2023 là một trong những diễn đàn y tế uy tín nhất trong khu vực và toàn cầu về lĩnh vực tiết niệu. Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) - thành viên Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh là đơn vị được lựa chọn để tổ chức chuỗi hoạt động khoa học quan trọng này.
Năm nay, Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023 đặc biệt mở rộng về quy mô với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Hiệp hội Tiết niệu châu Âu (EAU), Hiệp hội Tiết niệu Australia và New Zealand (USANZ), Trung tâm Y tế Asan Hàn Quốc, Nhóm Giảng dạy và Tập huấn phẫu thuật Tiết niệu châu Á (AUSTEG)...
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho hay, Việt Nam và các nước Đông Nam Á nằm trong “vành đai sỏi” của thế giới.
Riêng Việt Nam ghi nhận có 2-12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%. Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với gần 4.000 ca mắc mới và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13. Bệnh thường tiến triển chậm nên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, kết quả rất khả quan.
Người dân Việt Nam gia tăng các bệnh tiết niệu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu do lối sống, thói quen uống ít nước, ăn mặn, nhiễm trùng tiết niệu, mắc các bệnh chuyển hóa, ít vận động… Các nước trong khu vực ASEAN có nhiều điểm chung giống nhau về chủng tộc, tình hình kinh tế, địa lý tương đồng, từ đó tương đồng cả về cơ cấu bệnh về tiết niệu.
"Hội nghị là cơ hội quý giá để các chuyên gia, bác sĩ trong nước và khu vực, thế giới gặp gỡ để trao đổi, cập nhật những xu thế mới cũng như các tiến bộ y khoa, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tiết niệu cũng như thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, lãnh đạo của nhiều tổ chức y tế và chăm sóc sức khỏe trong khu vực", Giáo sư Thuấn cho hay.
Hội nghị khoa học FAUA 2023 diễn ra trong 3 ngày liên tiếp (7-9/9) với chủ đề Kết nối-Đổi mới-Phát triển. Hội nghị có hơn 500 đại biểu tham dự là các giáo sư, bác sĩ và nhân viên y tế trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực tiết niệu, thận học và các chuyên khoa sâu như phẫu thuật robot, phẫu thuật nội soi, tạo hình trong tiết niệu, nhiễm khuẩn niệu, ung thư đường tiết niệu, ghép thận, nam khoa, niệu nữ/niệu chức năng...
Hội nghị có 22 chuyên gia nước ngoài tham dự với vai trò là chủ tọa, báo cáo viên đến từ các nước khu vực ASEAN, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Chương trình trọng tâm của hội nghị năm 2023 là phần thực hiện kỹ thuật cao do các chuyên gia đầu ngành thực hiện, các ca mổ thị phạm được trình diễn ngay trong khuôn khổ hội nghị.
Ngay trong ngày 8/9, các bác sĩ đã tiến hành 3 ca phẫu thuật gồm: Kỹ thuật tán sỏi thận bằng nội soi ống mềm, Nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc, Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (MINI PCNL). Diễn biến 3 ca mổ thị phạm được các chuyên gia thảo luận sôi nổi xoay quanh kỹ thuật, dụng cụ được sử dụng trong ca mổ, tần số laser, chi phí… đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và đặt câu hỏi liên tục.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Chủ tịch Danh dự Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, thành viên chủ chốt của ban tổ chức năm nay, cho biết, đến nay, Việt Nam đã có hầu hết những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, kể cả phẫu thuật nội soi và phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot, những kỹ thuật hỗ trợ sức khỏe sinh sản liên quan đến đường tiết niệu. Những kỹ thuật này Việt Nam tự tin đã sánh ngang với các nước trong khu vực.
Hội nghị có hơn 90 bài báo cáo của 9 chuyên đề khác gồm: ung thư trong tiết niệu, sỏi, những kỹ thuật ít xâm lấn (nội soi và robot), nam khoa, ghép thận, tạo hình đường tiết niệu, niệu nữ/niệu chức năng và niệu động lực học, viêm bàng quang kẽ và hội chứng đau bàng quang.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Tâm Anh đang hình thành các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở chứng cứ để chuyển giao thành quả nghiên cứu vào ứng dụng trong chăm sóc bệnh nhân, khuyến khích hợp tác giữa các chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế để quyết tâm cải thiện sức khỏe của bệnh nhân ở Việt Nam và thế giới.
Do đó, việc tổ chức hội nghị này chính là những bước tiền đề quan trọng để TAMRI tiếp tục cho các sự kiện kết nối thế giới với khoa học y học Việt Nam trong tương lai gần.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch Hội Tiết niệu Thận học Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Ủy viên Ban chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam đánh giá, hiện trình độ của các bác sĩ tiết niệu Việt Nam sánh cùng bạn bè thế giới nên mới được FAUA lựa chọn đăng cai tổ chức. Điều này từng bước cho thấy sự tiến bộ của Việt Nam ở lĩnh vực y khoa nói chung và tiết niệu nói riêng.
Với khoảng 100 triệu dân, ngành tiết niệu Việt Nam trong tương lai còn phát triển mạnh hơn, thậm chí có thể vượt qua một số nước trong khu vực ở một số mặt bệnh, kỹ thuật điều trị.