Nhiều kỳ vọng cho Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC lần đầu tiên

Ngày mai (20/10), Hội nghị cấp cao giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra lần đầu tiên, kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ vào năm 1990.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ giúp hai bên thiết lập những khuôn khổ hợp tác mới, thực chất và hiệu quả hơn, tương xứng với tiềm năng và vị thế hiện nay của GCC và ASEAN giữa lúc tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng và phức tạp.

ASEAN - GCC (Nguồn: Manila Bulletin)

ASEAN - GCC (Nguồn: Manila Bulletin)

ASEAN và GCC thiết lập quan hệ từ năm 1990 và từ đó đến nay đã có nhiều cuộc gặp chính thức và không chính thức ở cấp ngoại trưởng, cùng những chuyến thăm lẫn nhau của Tổng thư ký 2 Khối khu vực. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC diễn ra và điều này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận và báo chí khu vực. Các chuyên gia về ASEAN và Trung Đông thừa nhận rằng trong một thời gian dài, mối quan hệ giữa hai khu vực còn khá khiêm tốn.

Chuyên gia Jean-Loup Samaan đến từ Viện Trung Đông thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore cho biết: “Thành thật mà nói, trong một thời gian dài, mối quan hệ GCC – ASEAN khá khiêm tốn, dù đó là mối quan hệ ổn định và tốt đẹp. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia vùng Vịnh nhận thấy mình đang ở giữa các cường quốc, như một đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Nga, Mỹ và Trung Quốc. GCC đang thấy mình đang ở một thời điểm rất tế nhị và coi ASEAN như một trường hợp điển hình để học hỏi nhau về cách điều hướng cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc khác nhau”.

Trợ lý Tổng thư ký GCC Abdel Aziz Aluwaisheg cũng nhấn mạnh, thời điểm tổ chức hội nghị cấp cao GCC – ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng, xét về hoàn cảnh mà khu vực này đang trải qua. Mục tiêu chính của hội nghị là tăng cường hợp tác chiến lược giữa các nhà lãnh đạo vùng Vịnh và châu Á, bao gồm Đông Nam Á.

Bà Sharon Seah – Chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu ASEAN kỳ vọng, qua hội nghị lần này, sự hợp tác giữa GCC và ASEAN sẽ được đẩy mạnh, để tương xứng với tiềm năng của 2 khu vực quan trọng: “GCC được thành lập vào năm 1981. Thông thường trong đời sống thể chế của bất kỳ tổ chức nào, ưu tiên số 1 của họ luôn là củng cố mối quan hệ giữa các thành viên của chính tổ chức đó. Và đó cũng thực sự là mục tiêu chính của GCC. Qua hội nghị lần này, tôi mong GCC và ASEAN sẽ đưa ra các kế hoạch hành động nhằm mở rộng mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác thương mại, trong đó có lĩnh bực năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh hai bên cùng có mối quan tâm về việc chuyển đổi sang năng lượng sạch do biến đổi khi hậu. Hay như việc cùng nhau hợp tác phát triển ngành thực phẩm Halal cho đạo Hồi, như đưa ra các tiêu chuẩn chung trong lĩnh vực này”.

Còn đối với một số quốc gia ASEAN, nhân bối cảnh hiện nay, các nước nên tranh thủ thu hút đầu tư từ các nước GCC nhờ quỹ dầu mỏ dư thừa của các nước thành viên. Một thỏa thuận hợp tác về dầu mỏ để duy trì ổn định thị trường năng lượng cũng là điều một số thành viên ASEAN hướng tới, trong bối cảnh giá xăng, dầu đang leo cao và không ổn định.

Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Daniel Espiritu về vấn đề ASEAN cho biết: “Tại thời điểm này, hai bên vẫn đang thảo luận về khả năng hợp tác trong các hoạt động cung cấp dầu mỏ. Đó vẫn là các cuộc đàm phán gián tiếp. ASEAN và GCC có thể hợp tác về vấn đề đó, để đảm bảo một nguồn cung liên tục, đáng tin cậy bất chấp cái được gọi là sự thăng trầm của thị trường năng lượng và những bất ổn chính trị. Điều này có thể giúp giảm tình trạng leo thang giá dầu ở ASEAN”.

Tăng cường hợp tác với ASEAN, vị thế khu vực Trung Đông của GCC cũng sẽ được nâng cao khi đây cũng là khu vực mà đối thủ Iran hay cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy hợp tác. Ngược lại, tăng cường quan hệ với GCC, tiếng nói của ASEAN cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Đây là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Đình Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhieu-ky-vong-cho-hoi-nghi-cap-cao-asean-gcc-lan-dau-tien-post1053703.vov