Nhiều kỳ vọng ở năm học mới

Năm học 2022 - 2023 đã chính thức bắt đầu trong không khí khai giảng hân hoan và sôi nổi tại các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Năm học mới đã sẵn sàng với nhiều kỳ vọng của toàn xã hội đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về một năm học an toàn, đổi mới và hiệu quả.Trái ngược với không khí ảm đạm của mùa khai trường năm trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những ngày đầu tháng 9 của năm học mới này, thầy và trò ở các cấp học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tất bật chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023.SẴN SÀNG CHO KHAI GIẢNG

Nhớ lại những ngày này của đầu năm học trước, Trường THCS Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo) được trưng dụng làm khu cách ly phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi tiếp nhận, một số hạng mục của trường như phòng học, nhà vệ sinh xuống cấp, phải sửa sang lại để đón học sinh trở lại trường.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Mỹ Tho) sẵn sàng cho Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Mỹ Tho) sẵn sàng cho Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023.

Bước vào năm học mới 2022 - 2023, thầy và trò nhà trường đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới. Cơ sở vật chất, cảnh quan trường học được tôn tạo, sửa chữa khang trang, sạch đẹp. “Sau khi đón học sinh tựu trường, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai giảng sao cho vui tươi, trang trọng và ý nghĩa. Giáo viên, học sinh đã chuẩn bị, tập dượt, lên kịch bản nhiều tiết mục văn nghệ vui tươi cho ngày khai giảng”, Hiệu trưởng nhà trường Lê Ngọc Sự phấn khởi cho biết.

Sáng 5-9, cùng với cả nước, khoảng 340 ngàn học sinh của tất cả các bậc học ở 570 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt khai giảng năm học 2022 - 2023. Trong đó, có trên 55 ngàn trẻ mẫu giáo và mầm non, khoảng 130 ngàn học sinh tiểu học, gần 100 ngàn học sinh THCS và khoảng 45 ngàn học sinh THPT. Sau lễ khai giảng, các trường bước vào tuần lễ đầu tiên của học kì I, năm học 2022 - 2023.

Trường Mầm non Phú Mỹ (huyện Tân Phước) cũng đang nô nức chuẩn bị Ngày hội “Bé vui đến trường” chào mừng năm học mới. Mặc dù đang là những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9, nhưng cùng với giáo viên, lực lượng đoàn viên Xã đoàn Phú Mỹ đã đến trường chung tay chuẩn bị cho công tác khai giảng.

Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Ngọc Điệp cho biết: “Ngày hội đến trường của năm học 2022 - 2023 rất đặc biệt, bởi trong 2 năm qua giáo viên mầm non đã trải qua nhiều khó khăn. Các tiết mục văn nghệ, trò chơi trong buổi lễ khai giảng phải làm sao cho trẻ thật sự cảm nhận được hết ý nghĩa của ngày hội đến trường. Bằng sự sáng tạo và tỉ mỉ, các lớp học đã được trang trí, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới”.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, công tác tổ chức Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 cần đảm bảo an toàn, vui tươi, ý nghĩa và ngắn gọn, trong đó đảm bảo tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Riêng cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Bé vui đến trường” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng cơ sở và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Các hoạt động ngày hội chào đón học sinh đầu cấp và chào đón năm học mới phải phù hợp văn hóa ứng xử trong trường học, vui tươi, phù hợp lứa tuổi học sinh, văn hóa truyền thống dân tộc và điều kiện nhà trường.

NÂNG CHẤT GD-ĐT

Làm gì để nâng cao chất lượng GD-ĐT là câu hỏi được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh năm học 2021 - 2022 vừa qua thời gian học trực tuyến của học sinh chiếm phần lớn thời gian. Thực tế trong suốt nhiều năm học qua cho thấy, đổi mới GD-ĐT về căn bản không phải là câu chuyện một sớm một chiều, mà cần phải có lộ trình, chiến lược phù hợp. Có lẽ mấu chốt nhất để trả lời cho câu hỏi làm gì để nâng chất GD-ĐT trong năm học 2022 - 2023 đó là kết quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Gần nửa chặng đường đã đi qua, Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện ở các khối lớp 1, 2, 6 và năm học 2022 - 2023 sẽ tiếp tục triển khai ở các khối lớp 3, 7, 10 đã nhận được nhiều tín hiệu khả quan. Chất lượng giáo dục đã được thay đổi căn bản từ việc chỉ đơn thuần lý thuyết hàn lâm sang chú trọng giáo dục kỹ năng, lối sống cho học sinh.

Theo nhiều cán bộ quản lý ở các bậc học, về cơ bản, chất lượng giáo dục được đánh giá dựa trên tổng thể rất nhiều mặt của giáo dục, nhưng tựu trung lại vẫn phân chia rõ rệt thành nhóm học sinh chất lượng giáo dục tốt và nhóm còn lại cần tăng cường quan tâm bồi dưỡng, phụ đạo. Và một trong những giải pháp được đưa ra của công tác giáo dục là dạy học theo hướng cá thể hóa, có nghĩa là dựa vào trình độ của học sinh.

Về mặt bằng tổng thể, một tiết học có thời gian trung bình khoảng 45 phút, các tiết dạy sẽ chuyển tải đúng nội dung chương trình để học sinh nắm phần căn bản. Riêng với các kỹ năng vận dụng, giáo viên sẽ phân hóa theo năng lực. Với những học sinh giỏi sẽ tăng cường những dạng bài vận dụng mức độ khó; còn với học sinh học lực trung bình sẽ giao bài tập ở mức độ vừa phải, giáo viên có nhiệm vụ củng cố, nâng chất để học sinh có thể tiến bộ hơn.

NỖ LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Theo ngành GD-ĐT, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, nhưng không phải vì thế mà chủ quan, nhất là đối với lĩnh vực GD-ĐT. Một trong những giải pháp tối ưu phòng ngừa dịch Covid-19 được xác định hiện nay là nhanh chóng đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin cho học sinh, đặc biệt là giai đoạn trước thềm năm học mới.

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 8-2022, tỷ lệ trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi của tỉnh Tiền Giang tiêm mũi 1 đạt 100,3%, mũi 2 đạt 97% và mũi 3 đạt 65,9%. Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 87,7%, mũi 2 đạt 67,9%.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới vẫn là chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục. Ngành Giáo dục đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên phải thực hiện đúng và tuân thủ nghiêm biện pháp “V + 2K” (vắc-xin, khẩu trang, khử khuẩn) theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Toàn ngành Giáo dục sẽ phối hợp với ngành Y tế đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh, từ đó tạo miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng đã đẩy mạnh công tác phòng, chống sốt xuất huyết; tay, chân, miệng…

Bên cạnh việc dạy kiến thức, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống là một trong những vấn đề nhận được nhiều kỳ vọng trong năm học 2022 - 2023. Nếu như trước đây phụ huynh và cả học sinh quan tâm nhiều về điểm số, thì hiện nay nhiều phụ huynh lại quan tâm làm thế nào để học sinh phát triển kỹ năng sống, tự tin, năng động.

Câu chuyện giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không phải là vấn đề mới. Thực tế nhiều năm qua, những nội dung giáo dục kỹ năng sống đã và đang được lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường ở các cấp học. Tuy nhiên, việc triển khai này ở các trường học chưa thật sự đồng bộ, mang lại hiệu quả và còn nhiều lúng túng.

Thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) chia sẻ, trên thực tế vẫn còn nhiều học sinh có kiến thức rất tốt nhưng lại thiếu kỹ năng sống, thụ động, ngại giao tiếp. Bên cạnh trang bị kiến thức, tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cũng đã có nhiều câu lạc bộ đội nhóm liên quan đến phát triển năng khiếu của học sinh như chụp ảnh, thể thao, văn nghệ, MC… Các câu lạc bộ đội nhóm này chủ yếu giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng.

Năm học mới bắt đầu, trong niềm phấn khởi và hân hoan, tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ gặt hái nhiều thành công trong năm học 2022 - 2023.

V. PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202209/nhieu-ky-vong-o-nam-hoc-moi-959059/