Nhiều lao động ở tầng lớp thấp nhất sợ mất việc khi Trung Quốc tăng tốc triển khai robotaxi
Liu Yi nằm trong số 7 triệu tài xế gọi xe của Trung Quốc. Là một cư dân thành phố Vũ Hán 36 tuổi, Liu Yi bắt đầu lái xe bán thời gian vào năm nay khi công việc xây dựng chậm lại do tình trạng dư thừa căn hộ chưa bán được trên toàn quốc.
Bây giờ, Liu Yi dự đoán về một cuộc khủng hoảng khác khi đứng cạnh ô tô của mình và nhìn những người hàng xóm gọi taxi không người lái.
"Nhiều người sẽ không đủ sống", Liu Yi nói về những tài xế ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) cạnh tranh với robotaxi từ Apollo Go, công ty con của gã khổng lồ công nghệ Baidu. Robotaxi là từ ghép của hai từ robot và taxi, loại xe taxi được điều khiển hoàn toàn tự động bằng công nghệ, không cần đến tài xế.
Baidu cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc từ chối bình luận.
Các nhà kinh tế và chuyên gia trong ngành cho biết tài xế gọi xe và người lái taxi nằm trong số những lao động đầu tiên trên thế giới phải đối mặt với mối đe dọa mất việc do trí tuệ nhân tạo (AI), khi hàng ngàn robotaxi xuất hiện trên đường phố Trung Quốc.
Công nghệ tự lái vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng Trung Quốc đã có những động thái tích cực để bật đèn xanh cho việc này so với Mỹ. Mỹ nhanh chóng tiến hành điều tra và đình chỉ phê duyệt công nghệ tự lái sau các vụ tai nạn.
Có ít nhất 19 thành phố của Trung Quốc đang chạy thử nghiệm robotaxi và robobus, theo thông tin công khai. Robobus là từ ghép của hai từ robot và bus, tạm dịch là xe buýt tự lái.
7 thành phố ở Trung Quốc đã phê duyệt các thử nghiệm không có người lái giám sát của ít nhất 5 công ty hàng đầu trong ngành gồm Apollo Go, Pony.ai, WeRide, AutoX và SAIC Motor.
Apollo Go cho biết có kế hoạch triển khai 1.000 robotaxi tại Vũ Hán cuối năm 2024 và hoạt động tại 100 thành phố vào 2030.
Pony.ai, được Toyota Motor (Nhật Bản) hậu thuẫn, vận hành 300 robotaxi và có kế hoạch thêm 1.000 xe nữa vào năm 2026. Lãnh đạo Pony.ai cho biết robotaxi có thể mất 5 năm để có lợi nhuận bền vững và khi đó chúng sẽ được mở rộng "theo cấp số nhân".
Waymo của Alphabet là công ty Mỹ duy nhất vận hành robotaxi không người lái thu phí. Công ty có hơn 1.000 robotaxi tại thành phố San Francisco, Los Angeles và Phoenix (Mỹ) nhưng có thể tăng lên "hàng ngàn", theo một người hiểu biết về hoạt động của công ty.
Cruise, được General Motors hậu thuẫn, đã khởi động lại thử nghiệm vào tháng 4 sau khi một trong những chiếc robotaxi của công ty tông vào người đi bộ năm ngoái.
Cruise cho biết công ty hoạt động tại ba thành phố ở Mỹ với nhiệm vụ cốt lõi là an toàn. Waymo đã không trả lời khi được đề nghị bình luận.
"Có sự tương phản rõ ràng giữa Mỹ và Trung Quốc khi các nhà phát triển robotaxi phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn nhiều và những rào cản lớn hơn tại Mỹ", cựu Giám đốc điều hành Waymo - John Krafcik cho biết.
Robotaxi cũng gây ra mối lo ngại về an toàn ở Trung Quốc, nhưng đội xe tăng mạnh khi chính quyền chấp thuận thử nghiệm để hỗ trợ các mục tiêu kinh tế. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã kêu gọi "lực lượng sản xuất mới" tạo ra sự cạnh tranh trong khu vực.
Thủ đô Bắc Kinh đã công bố thử nghiệm ở một số khu vực hạn chế hồi tháng 6 và Quảng Châu cho biết trong tháng này sẽ mở đường trên toàn thành phố để thử nghiệm xe tự lái.
Một số công ty Trung Quốc đã tìm cách thử nghiệm xe tự lái tại Mỹ nhưng Nhà Trắng sắp cấm các phương tiện có hệ thống do nước này phát triển, theo những người được thông báo về vấn đề đó.
Chuyên gia Augustin K. Wegscheider của công ty tư vấn quản lý Boston Consulting đã so sánh nỗ lực phát triển ô tô tự lái của Trung Quốc với việc nước này ủng hộ xe điện.
"Một khi đã cam kết, họ sẽ hành động khá nhanh", ông nói.
“Củ cải ngốc nghếch”
Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc có 7 triệu tài xế gọi xe đã đăng ký so với 4,4 triệu hai năm trước. Theo các nhà kinh tế, khi dịch vụ gọi xe cung cấp việc làm cuối trong thời kỳ suy thoái kinh tế, những tác động phụ của robottaxi có thể khiến chính phủ Trung Quốc phải giảm tốc.
Vào tháng 7, cuộc thảo luận về tình trạng mất việc làm do robotaxi đã leo lên hàng đầu các tìm kiếm trên mạng xã hội, với hashtag như "Xe không người lái có đang cướp đi sinh kế của tài xế taxi không?".
Tại Vũ Hán, Liu Yi và những tài xế gọi xe khác gọi robotaxi Apollo Go là "củ cải ngu ngốc" - một cách chơi chữ dựa trên tên thương hiệu này trong phương ngữ địa phương, nói rằng chúng gây ra tình trạng tắc đường.
Liu Yi cũng lo lắng về việc Tesla sắp ra mắt hệ thống Full Self-Driving (hỗ trợ lái nhưng vẫn cần tài xế giám sát) ở Trung Quốc và tham vọng về robotaxi của hãng ô tô điện do Elon Musk lãnh đạo.
"Tôi sợ rằng sau khi củ cải xuất hiện, Tesla sẽ đến", Liu Yi thổ lộ.
Tài xế Wang Guoqiang (63 tuổi, ở Vũ Hán) nhìn thấy mối đe dọa của robotaxi với những người lao động không có khả năng tài chính để đối phó với sự thay đổi trong ngành nghề của mình.
"Gọi xe là công việc dành cho tầng lớp thấp nhất. Nếu bạn giết chết ngành công nghiệp này, họ còn có thể làm gì?", Wang Guoqiang nói khi nhìn một chiếc robotaxi Apollo Go đỗ trước taxi của mình.
Baidu từ chối bình luận về mối lo ngại của các tài xế taxi và gợi ý Reuters về bình luận vào tháng 5 từ Chen Zhuo - Tổng giám đốc Apollo Go. Chen Zhuo cho biết Apollo Go sẽ trở thành "nền tảng lái xe tự động có lợi nhuận thương mại đầu tiên trên thế giới".
Apollo Go lỗ gần 11.000 USD cho mỗi chiếc robotaxi mỗi năm tại Vũ Hán, hãng chứng khoán Haitong International Securities ước tính. Một mô hình chi phí thấp hơn có thể mang đến lợi nhuận hàng năm trên mỗi robotaxi là gần 16.000 USD, Haitong International Securities cho biết. Trong khi đó, một chiếc taxi gọi xe kiếm được khoảng 15.000 USD tổng cộng cho tài xế và nền tảng.
“Đã ở vị trí hàng đầu”
Các nhà kinh tế nói việc tự động hóa công việc có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc trong dài hạn khi dân số đang giảm dần.
"Trong ngắn hạn, phải có sự cân bằng về tốc độ giữa tạo ra công việc mới và loại bỏ việc cũ. Chúng ta không nhất thiết phải đẩy nhanh tốc độ vì đã ở vị trí hàng đầu", Tang Yao, phó giáo sư kinh tế ứng dụng tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.
Trường dạy lái xe Eastern Pioneer đã giảm hơn một nửa số lượng giáo viên kể từ năm 2019 xuống còn khoảng 900. Thay vào đó, trường có giáo viên tại một trung tâm kiểm soát ở Bắc Kinh theo dõi học viên từ xa trên 610 chiếc xe được trang bị công cụ hướng dẫn bằng máy tính.
Máy tính chấm điểm học viên ở mọi lần đánh lái và đạp phanh, còn các trình mô phỏng thực tế ảo hướng dẫn họ cách điều hướng trên những con đường quanh co. Màn hình lớn cung cấp phân tích thời gian thực về các nhiệm vụ của tài xế, chẳng hạn tỷ lệ đỗ xe song song đạt 82% của một học viên.
Zhang Yang, Giám đốc mảng đào tạo thông minh của trường, cho biết các máy móc đã hoạt động tốt.
"Hiệu quả, tỷ lệ đỗ bài kiểm tra và nhận thức về an toàn đã được cải thiện đáng kể", ông nói.
Trung Quốc mở toàn bộ đường trên đảo nối với Ma Cao cho ô tô tự lái
Cuối tháng 7, Hengqin (Hoành Cầm), một hòn đảo ở thành phố Chu Hải phía nam Trung Quốc đóng vai trò là cửa ngõ vào Ma Cao, đã mở toàn bộ mạng lưới đường bộ của mình cho các cuộc thử nghiệm ô tô tự lái. Qua đó, Hengqin trở thành khu vực mới nhất ở Trung Quốc áp dụng công nghệ công nghệ xe tự hành.
Khu Hợp tác Hoành Cầm, khu vực đặc biệt được thành lập để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Ma Cao và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), đã mở 330 km đường cho các cuộc thử nghiệm ô tô tự lái khi tham gia vào nỗ lực biến khu Vịnh Lớn (Quảng Đông - Hồng Kông – Ma Cao) thành trung tâm công nghệ xe tự hành.
Kể từ tháng 9.2022, Khu Hợp tác Hoành Cầm đã dần dần mở các phần của mạng lưới đường bộ cho ô tô tự lái, bắt đầu với 22km đầu tiên dành cho các bài kiểm tra như vậy. Lần phê duyệt thứ tư đã gồm cả 135 km cuối cùng của mạng lưới.
Bằng cách mở toàn bộ mạng lưới đường bộ, gồm cả "nhiều tình huống giao thông khác nhau", Hoành Cầm đặt mục tiêu hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô tự lái trong việc "thu thập dữ liệu đường bộ toàn diện hơn để tối ưu hóa thuật toán tự lái của họ", theo tuyên bố được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Khu Hợp tác Hoành Cầm.
Ngoài ra, động thái đó dự kiến sẽ "thu hút nhiều doanh nghiệp ô tô tự lái cùng các tổ chức nghiên cứu và phát triển đến định cư tại Hoành Cầm, điều này sẽ hình thành một cụm ngành công nghiệp ô tô tự lái thông minh trong khu hợp tác".
Ngày càng nhiều thành phố ở Trung Quốc đang mở rộng lựa chọn cho các công ty để thử nghiệm ô tô tự lái. Thâm Quyến (thuộc tỉnh Quảng Đông) là một trong những thành phố tiên phong về dịch vụ robotaxi. Thành phố này đã thử nghiệm dịch vụ taxi tự lái từ năm 2021.
Dịch vụ robotaxi Apollo Go của Baidu đã được thử nghiệm tại quận Nam Sa và Bình Sơn ở thành phố Thâm Quyến. AutoX, công ty khởi nghiệp ô tô tự lái khác, cũng đã vận hành các dịch vụ robotaxi công cộng ở quận Bình Sơn.
Thâm Quyến, trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc, cũng có kế hoạch đưa một đội xe buýt tự lái gồm 20 chiếc trên các con đường ở quận Tiền Hải cuối năm 2024, gồm các ga tàu điện ngầm, khu thương mại và kinh doanh, khu công nghiệp, khu dân cư và điểm du lịch.
Thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải và Vũ Hán đều cho phép thử nghiệm ô tô tự lái.
Vũ Hán gần đây cho phép một đội xe taxi tự lái gần 500 chiếc của Baidu hoạt động trên 35% đường sá ở thành phố, gồm cả một số khu vực trung tâm.
Bắc Kinh cho phép các nhà sản xuất ô tô tự hành, gồm Baidu, Pony.ai, WeRide và AutoX, thử nghiệm sản phẩm của họ chủ yếu ở quận Đại Hưng. Các dịch vụ gồm đưa đón hành khách giữa Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh và khu vực công nghệ cao Yizhuang.
Robotaxi đã đi vào hoạt động trên đường phố của khu tài chính Phố Đông, Thượng Hải vào tuần trước, với giấy phép được cấp cho 4 công ty gồm Baidu, AutoX, Pony.ai và SAIC AI Lab.
Tuy nhiên, việc kiếm tiền từ robotaxi vẫn còn khó khăn ở Trung Quốc vì các công ty dựa vào việc trợ cấp mạnh mẽ cho các dịch vụ này để thu hút người dùng. Việc triển khai mở rộng cũng gây ra một số lo ngại cho những người lo lắng về an ninh việc làm. Gần đây, các tài xế taxi ở Vũ Hán đã kiến nghị với cơ quan giao thông vận tải thành phố về sự phổ biến của dịch vụ Apollo Go mới.