Nhiều lò đốt rác không phát huy hiệu quả
Nhiều lò đốt rác được đầu tư hàng tỷ đồng tại Thanh Hóa nhưng hoạt động kém hiệu quả, hoặc không hoạt động nhiều năm qua.
Để không suốt nhiều năm
Thông tin từ lãnh đạo UBND xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Vào năm 2018, lò đốt rác thải sinh hoạt xã Hòa Lộc được xây dựng trên khu đất gần 4.000m2, tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng, mục đích để xử lý rác thải cho hơn 5.000 hộ dân ở xã Hòa Lộc và Xuân Lộc. Năm 2019, lò đốt rác hoàn thành và đưa vào sử dụng, với công suất xử lý 7 tấn rác/ngày, nhưng đến tháng 7/2022 phải dừng hoạt động vì hệ thống máy móc hư hỏng, xuống cấp.

Lò đốt rác Hòa Lộc bỏ hoang từ năm 2022 đến nay. Ảnh: Đình Minh
Trong gần 3 năm qua, lò đốt rác Hòa Lộc bị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm. Bên trong lò đốt, nhiều thiết bị, máy móc đã hoen rỉ và mục nát, rất khó để tái sử dụng. Cùng chung thực trạng trên, còn có lò đốt rác ở xã Đại Lộc. Ông Hoàng Ngọc Đức - Chủ tịch UBND xã Đại Lộc cho biết: Năm 2015, dự án lò đốt rác của xã được xây dựng trên diện tích 1,5ha, tổng vốn đầu tư khoảng 7 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, khu vực lò đốt rác đã ngừng hoạt động, bỏ hoang, chỉ còn một vài thiết bị máy móc và công trình trơ trọi.
Xa hơn về khu vực miền núi, là thực trạng bỏ hoang lò đốt rác thải xã Xuân Bình, huyện Như Xuân. Được biết, ngày 30/10/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 4447 phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư công trình: Bãi chôn lấp rác thải tại huyện Như Xuân với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Đến ngày 21/6/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 12 tỷ đồng. Tháng 4/2019, công trình xử lý rác thải xây dựng xong, dự kiến sẽ xử lý được 7 - 9 tấn rác/ngày, giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân.
Tuy nhiên, kể từ khi hoàn thành, trong suốt 6 năm qua, công trình không hoạt động, không vận hành, bảo dưỡng dẫn đến lò đốt hoen gỉ, dây cáp néo ống khói bị đứt, cột ống khói bị đổ gãy; khu nhà gồm phòng bảo vệ, nhà quản lý, nhà vệ sinh và nhà vận hành lò đốt bỏ hoang, dột nát. Bên trong lò đốt rác, lượng rác thải được tập kết ngổn ngang.
Có lò đốt rác nhưng vẫn phải thuê thu gom
Ông Trịnh Xuân Hán - Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho biết: Trong quá trình hoạt động, lò đốt rác Hòa Lộc bộc lộ nhiều bất cập, như công nghệ đốt rác lạc hậu nên không đảm bảo công suất như thiết kế; trong quá trình vận hành, khí thải không được xử lý gây ô nhiễm môi trường. “Do lò đốt rác đã ngừng hoạt động, nên hiện UBND xã phải thuê một đơn vị thu gom rác thải, vận chuyển đi nơi khác xử lý” - ông Hán cho biết.
Còn theo ông Hoàng Ngọc Đức - Chủ tịch UBND xã Đại Lộc: Theo thiết kế, lò đốt rác tại xã này có công suất đốt khoảng 12 tấn rác/ngày đêm, khi đưa vào sử dụng thì chỉ đạt công suất 5 - 6 tấn/ngày đêm. Để duy trì hoạt động, một hộ dân trong xã đã đứng ra vận hành nhưng sau 5 năm, hộ này đã dừng ký hợp đồng với lý do lò đốt xuống cấp, công nghệ lạc hậu, kinh phí bảo dưỡng lớn, thu không đủ bù chi. “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày 1/1/2025, tất cả các lò đốt rác nhỏ lẻ trên địa bàn sẽ ngừng hoạt động. Để tránh lãng phí tài sản công, hiện xã cũng đang tìm phương án xử lý để làm sao tận dụng được các công trình, tài sản bên trong lò đốt”- ông Đức nói.
Ông Trịnh Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Huyện đã nhiều lần yêu cầu các xã phối hợp với đơn vị thi công, đơn vị thực hiện lò rác thải hoàn thành hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán công trình này nhưng đến nay, các xã chưa làm xong nên chưa có cơ sở tiến hành thanh lý tài sản. Bên cạnh đó, do khu xử lý rác thải không còn phù hợp với quy hoạch và gần dân cư nên tương lai sẽ không thể để tồn tại.
Đối với lò đốt rác thải tại huyện Như Xuân, ông Ngô Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bình cho biết: Sau khi được bàn giao lò đốt rác, do không có đơn vị nào nhận thu gom, vận hành nên UBND xã phải thuê người trông coi, bảo vệ. Đến tháng 11/2021, Công ty TNHH Thành Đạt có nhận hợp đồng thu gom, vận hành lò đốt rác nhưng do số lượng hộ dân tham gia đóng góp quá ít, lại cư trú phân tán khiến cho nguồn thu không đủ chi nên doanh nghiệp xin chấm dứt hợp đồng.
“Trong thời gian qua, xã cũng đã có nhiều văn bản, kiến nghị lên UBND huyện để tìm hướng tháo gỡ, làm sao tái khởi động lại lò đốt rác này. Tuy vậy, đến nay, mọi thứ vẫn không có tiến triển, lò đốt thì vẫn bỏ không như thế”- ông Nam nói.
Với thực tế kể trên, có thể thấy việc đầu tư xây dựng nhiều lò đốt rác nhỏ ở các địa phương nhưng lại chưa tính toán được những vấn đề phát sinh, đã khiến các công trình không thể hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực, để lại những hệ lụy khó giải quyết cho chính quyền địa phương.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhieu-lo-dot-rac-khong-phat-huy-hieu-qua-10305501.html