Nhiều 'lỗ hổng' trong quản lý tài sản công
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn, các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đánh giá, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần sớm khắc phục triệt để.
Đi đến cùng vấn đề được chất vấn
Kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng nhà, đất sai mục đích
Sẽ thu hồi dự án của chủ đầu tư không đủ năng lực
Nhiều sai phạm trong sử dụng nhà chuyên dùng
Đặt câu hỏi tới lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, đại biểu Trịnh Xuân Quang cho biết: Hiện nay, 802/803 hợp đồng nhà chưa được gia hạn, chưa được ký và có hàng loạt sai phạm trong sử dụng nhà chuyên dùng. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, công tác quản lý tài sản công, nhà đất, qua giám sát đã cho thấy bức tranh đa màu sắc, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những khó khăn, bất cập. Mặc dù thành phố đã có văn băn yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý tài sản công nhưng đến nay, quy chế sử dụng, đấu giá nhà chuyên dùng vẫn chưa được ban hành, đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi.
Riêng đại biểu Đàm Văn Huân đánh giá, nợ nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân sử dụng nhà chuyên dùng trên địa bàn đang là vấn đề "nóng" được cử tri và dư luận quan tâm. Qua giám sát, số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng hiện khoảng 1.200 tỷ đồng và xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây. Đề nghị Giám đốc Sở Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của mình và giải pháp, tiến độ thu hồi - đại biểu nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, đối với vấn đề thu nợ, Sở được giao trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết. Trong quá trình phát sinh các khoản nợ, Sở đã đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phân loại và thu nợ. Thời gian tới, Sở sẽ khẩn trương cùng công ty phân loại sơ bộ để đôn đốc thực hiện. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp Trung ương sẽ kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp thu hồi. Đối với tổ chức, cá nhân, sẽ phân loại, có biện pháp hành chính. Nội dung này sẽ được tập trung làm rõ trong quý III.2022 và sớm có kế hoạch thu hồi. Trong trường hợp cần thiết, đề xuất thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện - Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh.
Tiếp tục tranh luận, đại biểu Đoàn Việt Cường dẫn chứng hiện vẫn còn 800 hợp đồng thuê nhà chuyên dùng từ lâu đến nay chưa được gia hạn nhưng vẫn đang sử dụng. Đáng chú ý, đại biểu Vũ Ngọc Anh cho rằng, ở đây có dấu hiệu buông lỏng quản lý. “Với số tiền nợ 1.200 tỷ đồng kéo dài nhiều năm nhưng câu trả lời không rõ trách nhiệm, lộ trình giải pháp. Vì vậy, cần xem xét lại trách nhiệm của các đồng chí được giao nhiệm vụ và lãnh đạo thành phố”, đại biểu Vũ Ngọc Anh đề xuất.
Nghiêm túc tiếp thu để giải quyết tận gốc vấn đề
Trước câu hỏi của một số đại biểu về vấn đề đòi nợ tiền thuê nhà, đất, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thuê nhà phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Đối với các trường hợp này, trách nhiệm quản lý thuộc về Sở Tài chính và đơn vị quản lý nhà. "Riêng đối với Sở Tài chính, chúng tôi nhận trách nhiệm do chưa kịp thời đôn đốc, giám sát việc chi trả tiền thuê của các tổ chức, cá nhân", Giám đốc Sở Tài chính thẳng thắn nhìn nhận.
Đối với các trường hợp nợ tiền, Sở Tài chính sẽ rà soát, áp các quy định của pháp luật, nếu có khả năng sẽ tiến hành thu hồi nợ, nếu không có khả năng chi trả, đơn vị sẽ áp dụng các quy định để xử lý theo luật định. Đồng thời, sẽ công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Các đại biểu cũng chỉ rõ, hiện nay quỹ nhà chuyên dùng của thành phố còn để trống, không sử dụng, gây lãng phí tài sản Nhà nước. Đồng thời, nhiều nhà chuyên dùng có nhiều vi phạm liên quan trật tự xây dựng như xây mới trên đất quỹ nhà chuyên dùng, cơi nới thêm diện tích...
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, liên quan đến các trường hợp nhà chuyên dùng có vi phạm, Hà Nội sẽ phải rà soát tổng thể toàn bộ quỹ nhà để lập hồ sơ dữ liệu và phân định từng loại vi phạm để có chế tài phù hợp. Đồng thời, xem xét lại sự bất cập của mô hình quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Từ đó, xác định lại mô hình của Công ty trong việc thực hiện đầu tư công, giao tài sản công cho các công ty quản lý… "Riêng với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện để xử lý đúng quy định", ông Võ Nguyên Phong nhấn mạnh.
Tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải khẳng định, thành phố luôn mong muốn được giám sát để nhận thức ra những tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp khắc phục. Đối với những tồn tại, hạn chế được các đại biểu HĐND thành phố chỉ rõ tại phiên chất vấn, UBND thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu, đề ra giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết triệt để.