Nhiều lo lắng ở các dự án 'đất vàng' khu trung tâm
Việc HĐND TP HCM vừa quyết định đưa 61 dự án khỏi danh mục thu hồi đất, trong đó có không ít dự án nằm ở trung tâm TP, khiến nhiều người vui nhưng kèm lo lắng
Trong các dự án bị loại khỏi danh mục thu hồi đất ở khu trung tâm, đáng chú ý nhất là dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) và dự án khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (thuộc phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM).
Khi đất vàng không tìm ra chủ
Cả 2 dự án nói trên, việc hủy bỏ thu hồi đất đều xuất phát từ lý do chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc kêu gọi đầu tư cho 2 dự án trên đã được TP tiến hành từ lâu.
Cụ thể, dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão là dự án đầu tiên được TP HCM đưa ra thí điểm đấu thầu. Dự án có diện tích hơn 13.000 m2, nằm sát Công viên 23-9, Quảng trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành và là trung tâm của hàng loạt tuyến metro, xe buýt, phố đi bộ..., chính vì vậy, dự án này được giới đầu tư gọi là tam giác "vàng". Theo quy hoạch, khu đất trên được xây dựng từ 60-65 tầng với nhiều chức năng như khách sạn, tài chính, thương mại, văn phòng... Từ năm 2007, TP HCM đã tổ chức đấu thầu khu đất và doanh nghiệp trúng thầu là liên doanh Thái Sơn gồm nhiều công ty. Tuy nhiên sau đó, Chính phủ xác định quá trình đấu thầu có nhiều sai sót nên phải hủy kết quả và liên doanh Thái Sơn cũng rút khỏi dự án. Sau đó liên doanh KSDP (gồm 1 công ty trong nước và 3 công ty Hàn Quốc) xin nhận đầu tư dự án này và được chấp thuận. Nhưng đến năm 2011, liên doanh KSDP vẫn không thực hiện đầy đủ các yêu cầu và nội dung để bảo đảm thực hiện dự án. Do đó, TP HCM đã chấm dứt việc xem xét cho liên doanh KSDP thực hiện dự án.
Năm 2015, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), UBND TP đã chấp thuận đưa khu đất này ra đấu thầu một lần nữa. Kết quả là liên danh Công ty Xây dựng Jimiro (Hàn Quốc) và Công ty Đại Tân Phú sẽ làm chủ đầu tư khu tam giác "vàng". Tuy nhiên đến năm 2016, dự án tại khu đất lại được đưa vào kế hoạch sử dụng đất của quận 1 và năm 2017, UBND TP HCM lại giao Sở KH-ĐT chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu chọn nhà đầu tư lần thứ ba. Đến tháng 4-2018, Sở Xây dựng mới tính được chi phí đầu tư xây dựng dự án này là 7.634 tỉ đồng. Cũng cùng với thời điểm này thì Sở Tài nguyên và Môi trường lại đưa dự án vào danh sách các dự án chưa triển khai thực hiện sau 3 năm để trình UBND TP đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất của quận 1. Sau đó, Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TP đưa dự án vào danh mục dự án có sử dụng đất trên địa bàn quận 1 năm 2019 rồi tiếp tục kêu gọi đầu tư cho đến khi HĐND hủy bỏ.
Tương tự, dự án khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế từng được Ngân hàng VietinBank xin đầu tư nhưng đến tháng 4-2014, đơn vị này lại có đơn đề nghị TP giao cho Công ty Setra làm chủ đầu tư duy nhất và đã được Sở KH-ĐT đồng ý, đồng thời kiến nghị lên UBND TP xin chấp thuận chủ trương chỉ định Công ty Setra là chủ đầu tư dự án. Đến năm 2016, một tập đoàn khác gửi văn bản xin chủ trương của UBND TP HCM về việc đầu tư 2 dự án khu tứ giác "vàng" là khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế và khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão. Sau đó có thông tin cho rằng dự án khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế phải chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Không riêng ở quận 1, ở khu trung tâm với các quận 3 và 5 cũng có nhiều dự án nằm ở vị trí "vàng" nhưng vẫn không thể tìm ra chủ đầu tư. Điển hình như dự án cải tạo chung cư 206/1 - 34 Trần Hưng Đạo (phường 11, quận 5). Đây là chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 có 34 căn hộ nằm ở vị trí khá đẹp nhưng nhiều lần người dân đối thoại với các chủ đầu tư về phương án bố trí tái định cư tại chỗ đều không thành.
Mừng nhưng vẫn lo
Trở lại việc dự án tam giác "vàng", lãnh đạo UBND phường Phạm Ngũ Lão cho biết ngay sau khi HĐND TP đồng ý loại khỏi danh mục thu hồi đất, địa phương đã thông báo cho người dân về những quyền lợi liên quan đến nhà ở và đất đai. Qua đó, hướng dẫn người dân thủ tục hồ sơ khi có nhu cầu sửa chữa lại nhà và tạo điều kiện hỗ trợ cho việc xây dựng mới theo chỉ tiêu quy hoạch.
Tương tự, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nói việc đề xuất đưa 61 dự án khỏi danh mục thu hồi đất nói trên đã được nhiều sở, ngành và địa phương xem xét nhiều khía cạnh trong gần 3.000 dự án. 61 dự án trên là những dự án ảnh hưởng quyền lợi người dân và sau 3 năm không triển khai hoặc triển khai chậm. "Xóa dự án treo nghĩa là nhà cửa, đất đai được sửa chữa, chuyển nhượng, thế chấp, thừa kế..." - ông Thắng nói.
Trong khi đó, ghi nhận tại khu tam giác "vàng" Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão cho thấy nơi đây có rất nhiều căn nhà cấp 4 lụp xụp. Vì vậy, dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng người dân nơi đây luôn sống trong cảnh thiếu thốn vì không thể cải tạo nhà để cho thuê với mức giá vài ngàn USD/tháng như khu vực xung quanh. Ông Trần Chung (57 tuổi, cư dân bị ảnh hưởng bởi dự án) nói gia đình ông đã nhận trên 20 thông báo nhưng mọi hoạt động triển khai dự án vẫn "án binh bất động". "Nay chính thức hủy bỏ dự án khỏi danh mục thu hồi đất, gia đình tôi thực sự vui vì có thể cải tạo lại nhà để cho thuê hay kinh doanh mua bán" - ông Chung tính toán. Thế nhưng, ông cũng lo ngại và đặt câu hỏi không biết dự án nơi đây đã dừng hẳn hay chưa, hay đến khi có nhà đầu tư khác đủ tiềm lực thì lại tái khởi động?
Những ngày này, dù rất nhiều cư dân ở chung cư 206/1 - 34 Trần Hưng Đạo đang tính toán sửa chữa một số công trình bên trong căn hộ để bảo đảm tiện ích sinh hoạt. "Tuy nhiên, đây là chung cư cũ nên đang xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, việc sửa chữa cũng chỉ mang tính tạm thời còn muốn ở ổn định thì chỉ có cách duy nhất là xây mới và được tái định cư tại chỗ" - không ít cư dân nơi đây nhìn nhận.