Nhiều lo ngại trên hồ Tà Đùng

Gần đây, Báo Lâm Đồng nhận được nhiều thông tin phản ánh của du khách trong và ngoài tỉnh về vấn đề ô nhiễm môi trường và an toàn giao thông (ATGT) đường thủy trên hồ Tà Đùng, thuộc xã Tà Đùng.

Lo ngại về ATGT

Hồ Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên” là hồ chứa nước của thủy điện Đồng Nai 3 và 4 (thuộc xã Tà Đùng, tỉnh Lâm Đồng). Diện tích của hồ thay đổi theo mùa: mùa khô khoảng 22.000 ha, mùa mưa có thể lên gần 50.000 ha, độ sâu trung bình khoảng 20 m, với hàng trăm đảo lớn nhỏ nổi lên giữa mặt nước hồ.

Thuyền du lịch trên hồ Tà Đùng.

Thuyền du lịch trên hồ Tà Đùng.

Được xếp vào khu vực Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, hồ Tà Đùng đang được quy hoạch để trở thành khu du lịch quốc gia giai đoạn 2021–2030. Sức hấp dẫn của hồ không chỉ nằm ở cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, mà còn ở tiềm năng du lịch, sinh thái, giáo dục môi trường và phát triển kinh tế vùng.

Những năm qua, tại địa điểm này đã có nhiều dịch vụ trong lĩnh vực du lịch, nhất là lưu trú nghỉ dưỡng và tham quan du lịch bằng thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan ngoạn mục của nơi này. Theo cơ quan quản lý, hiện trên hồ Tà Đùng có khoảng 34 phương tiện phục vụ du lịch gồm thuyền, đò và xuồng máy. Tuy nhiên, nhiều chủ bè nuôi cá và phương tiện du lịch trên hồ hoạt động chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn: đồ dùng cứu sinh không đầy đủ, nhiều tàu thuyền không đăng ký đăng kiểm hoặc hết hạn. Điều này làm gia tăng nguy cơ tai nạn, đặc biệt trong thời điểm mực nước hồ cao và lượng tàu lớn.

Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra nhiều đợt, trong đó có nhiều phương tiện buộc chủ sở hữu phải cam kết, trang bị lại phao và đồ cứu nạn, nhiều tàu còn chưa xem trọng việc mặc áo phao cho du khách, chở quá số người. Việc các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tàu, thuyền còn chưa chấp hành tốt khiến nhiều người dân và khách du lịch e ngại khi ra hồ, đặc biệt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Lực lượng chức năng kiểm tra ATGT và môi trường tại các lồng bè trên hồ Tà Đùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra ATGT và môi trường tại các lồng bè trên hồ Tà Đùng.

Nguy cơ ô nhiễm từ du lịch và nuôi cá bè

Không chỉ dừng lại ở an toàn đường thủy, vấn đề ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái quanh hồ Tà Đùng đang gây bức xúc. Một phần diện tích hồ nằm trong Vườn quốc gia Tà Đùng, khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm gìn giữ các loài động thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, áp lực từ hoạt động nuôi cá lồng bè, du lịch tự phát và thủy điện đã khiến môi trường nước bị tác động không nhỏ.

Người dân sống quanh hồ phản ánh tình trạng rác thải sinh hoạt, túi nilon, chai nhựa nổi lềnh bềnh tại một số khu vực. Ngoài ra, một số hộ nuôi cá chưa có hệ thống xử lý chất thải bài bản, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nước hồ, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và chất lượng nước sinh hoạt của các hộ dân sử dụng nước từ hệ thống dẫn hồ. Tình trạng đáng lo ngại trên đã và đang diễn ra song công tác khắc phục chưa thật sự kiên quyết. Công tác giám sát hiện rất hạn chế. Nhiều bè cá còn thiếu giải pháp xử lý nước thải, gây ô nhiễm tại vùng đệm.

Không những vậy, nhiều người trồng cà phê, nông dân canh tác quanh hồ lo lắng khi rừng bị chuyển đổi sai mục đích, hoặc diện tích rừng không được phục hồi đúng cam kết. Các dự án như thủy điện và du lịch sinh thái, nếu không quản lý tốt, sẽ đẩy họ vào thế bất lợi về đất đai, môi trường, khai thác thủy sản.

Một vấn đề khác khiến người dân lo ngại là tình trạng mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học tại vùng lõi và vùng đệm quanh hồ. Theo thống kê, trong khu vực Tây Nguyên, đã có hơn 68.000 ha rừng bị chuyển đổi phục vụ các dự án thủy điện, trong khi diện tích trồng lại chỉ đạt khoảng 3,3% tổng số rừng mất đi.

Tại khu vực hồ Tà Đùng, chính quyền địa phương đã giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân, hỗ trợ mỗi hộ từ 20–35 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu mở rộng các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực hồ đang gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lấn chiếm đất rừng nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Người dân bày tỏ mong muốn chính quyền cần có biện pháp mạnh tay hơn trong bảo vệ rừng tự nhiên, đồng thời khuyến khích trồng rừng thay thế, tạo sinh kế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chẳng hạn như du lịch cộng đồng, nông nghiệp hữu cơ hoặc nuôi trồng thủy sản bền vững.

Kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải trên hồ Tà Đùng.

Kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải trên hồ Tà Đùng.

Các giải pháp và đề xuất từ cộng đồng

Trước những nguy cơ trên, người dân có nhiều ý kiến với đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, xã đề nghị cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra thường xuyên, cấp đăng kiểm đúng hạn, xử phạt nặng khi vi phạm, bổ sung phao cứu sinh và trang thiết bị định vị, cứu hộ trên các phương tiện. Mỗi chủ tàu nên có chứng chỉ lái tàu chuyên nghiệp và bắt buộc mặc áo phao cho hành khách. Địa phương cần chủ động thu gom rác, phân loại nước thải tại vùng hồ; xử lý nghiêm những bè cá không đảm bảo tiêu chuẩn; nâng cấp hệ thống lọc của nhà máy cấp nước, bảo đảm loại bỏ cặn, phù sa trước khi đưa vào sinh hoạt.

Ngoài ra, UBND tỉnh cần củng cố chính sách giao khoán bảo vệ rừng, gia tăng kinh phí, giám sát cộng đồng bảo vệ rừng. Ưu tiên trồng lại diện tích cây xanh, có cơ chế thưởng cho hộ, cộng đồng làm tốt. Đồng thời, áp dụng vùng đệm sinh thái để ngăn rác, xả thải trước khi ảnh hưởng đến hồ.

Hồ Tà Đùng là một biểu tượng thiên nhiên kỳ vĩ của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời là công trình thủy điện kết hợp du lịch tiềm năng lớn. Tuy nhiên, những thuận lợi về du lịch và kinh tế không thể che lấp các rủi ro về an toàn giao thông đường thủy – môi trường – sinh thái mà người dân nơi đây đang phải đối mặt.

Việc duy trì giá trị cảnh quan, sinh thái và tính mạng của con người đòi hỏi một hệ thống kiểm soát chặt chẽ: đăng kiểm phương tiện, kiểm soát chất lượng nước, bảo tồn rừng, mở rộng hệ thống xử lý rác, cùng sự tham gia trực tiếp từ cộng đồng. Trong bối cảnh hồ đang được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn 2045, nếu không có giải pháp toàn diện, Tà Đùng rất dễ đánh mất giá trị nguyên sơ và sự an toàn mà tự nhiên đã ban tặng.

Hoàng Thanh

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/nhieu-lo-ngai-tren-ho-ta-dung-382422.html