Đòn tấn công của Israel-Mỹ vào cơ sở hạt nhân Iran đang phản tác dụng

Các cuộc tấn công của Israel và Mỹ nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân có thể đang phản tác dụng, vô tình thúc đẩy Iran đẩy nhanh chương trình hạt nhân và tạo tiền lệ nguy hiểm cho khu vực.

Ngày 13/6, Israel khởi động Chiến dịch Sư tử trỗi dậy (Operation Rising Lion), một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm xóa bỏ khả năng hạt nhân của Iran. Mở đầu bằng các đợt tấn công phối hợp nhắm vào các nhà khoa học hạt nhân, tướng lĩnh quân đội và thành viên chủ chốt của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, chiến dịch này đánh dấu một bước leo thang mới trong chiến lược răn đe phủ đầu.

Tuy giành được ưu thế trên không, Israel vẫn bất lực trước các cơ sở hạt nhân được gia cố kiên cố, đặc biệt là tổ hợp làm giàu uranium Fordow nằm sâu trong lòng núi. Chưa đầy một tuần sau, ngày 21/6, Mỹ triển khai các cuộc không kích chính xác bằng máy bay ném bom tàng hình B-2, mang theo bom xuyên boongke, tấn công trực diện vào các địa điểm trọng yếu như Fordow, Natanz và Isfahan, với mục tiêu làm tê liệt khả năng hạt nhân chiến lược của Iran.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tòa nhà bị hư hại tại cơ sở hạt nhân Isfahan sau cuộc tấn công của Mỹ hồi tháng 6/2025. Ảnh: Maxar

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tòa nhà bị hư hại tại cơ sở hạt nhân Isfahan sau cuộc tấn công của Mỹ hồi tháng 6/2025. Ảnh: Maxar

Ba ngày sau, hai bên bất ngờ đạt được thỏa thuận ngừng bắn, kết thúc chuỗi giao tranh kéo dài 12 ngày. Mặc dù cả Mỹ và Israel đều tuyên bố đã đạt được một số mục tiêu chiến thuật, xung đột lần này đã phơi bày một thực tế đáng lo ngại hơn nhiều: nguy cơ gia tăng phổ biến vũ khí hạt nhân trong một khu vực vốn đã bất ổn như Trung Đông.

Bài học từ quá khứ

Từ năm 2006, Iran đã chịu các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi bị cáo buộc không tuân thủ quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nỗ lực giải quyết vấn đề qua ngoại giao, dẫn đến Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) năm 2015 – một thỏa thuận mà theo đó Iran đồng ý hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt.

Tuy nhiên, đến năm 2018, chính quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA, bất chấp xác nhận từ IAEA rằng Iran vẫn tuân thủ đầy đủ. Quyết định này phá vỡ lòng tin mong manh và kích hoạt chuỗi phản ứng ngược: Tehran giảm cam kết, tái khởi động các hoạt động làm giàu uranium, và từng bước tiến gần ngưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Theo báo cáo mới nhất của IAEA, Iran hiện sở hữu hơn 400kg uranium làm giàu ở mức 60%. Nếu được tinh luyện tiếp đến 90%, lượng này đủ để sản xuất từ 10 đến 12 đầu đạn hạt nhân.

Sau khi ông Trump trở lại nhiệm sở, các cuộc đàm phán hạt nhân được nối lại với kỳ vọng thiết lập một khuôn khổ chặt chẽ hơn JCPOA. Tuy vậy, vòng đàm phán thứ sáu, dự kiến diễn ra ngày 15/6, đã bị hủy bỏ sau khi Israel tiến hành cuộc tấn công chỉ hai ngày trước đó, đẩy toàn bộ tiến trình ngoại giao vào ngõ cụt.

Tổng thống Trump tuyên bố các cuộc không kích của Mỹ đã “xóa sổ” chương trình hạt nhân của Iran, nhưng các đánh giá tình báo độc lập lại cho thấy chỉ có thiệt hại nghiêm trọng, chứ không phải sự phá hủy hoàn toàn. Trớ trêu thay, chính sự can thiệp quân sự này đã khiến Iran lập tức trục xuất toàn bộ thanh sát viên IAEA, chấm dứt các hoạt động giám sát quốc tế và khiến khả năng xác minh trở nên bất khả thi. Trong mắt Iran, các cuộc tấn công này được coi là "sự vi phạm trắng trợn chủ quyền" và là lý do chính đáng để đẩy mạnh khả năng răn đe hạt nhân.

Bài học lịch sử cho thấy Israel từng thực hiện chiến lược tương tự khi phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Iraq (1981) và Syria (2007). Tuy nhiên, chương trình hạt nhân của Iran phức tạp và kiên cố hơn rất nhiều. Dù các cuộc không kích có thể làm chậm tiến trình sản xuất hạt nhân từ một đến hai năm, chúng không thể phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạt nhân của quốc gia này.

Nguy cơ phổ biến hạt nhân

Mối đe dọa không dừng lại ở Iran. Nếu Tehran chính thức từ bỏ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) – một khả năng đang được Quốc hội Iran cân nhắc, cánh cửa hợp pháp cho việc phát triển vũ khí hạt nhân sẽ rộng mở. Và khi đó, Trung Đông có thể rơi vào vòng xoáy vũ trang chưa từng có.

Saudi Arabia đã không ít lần ngụ ý rằng họ sẽ đáp trả nếu Iran sở hữu bom hạt nhân. Các quốc gia khác trong khu vực, từ Ai Cập đến Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có thể bị cuốn vào cuộc đua năng lượng hủy diệt, làm sụp đổ toàn bộ cấu trúc không phổ biến vũ khí mà thế giới đã cố gắng xây dựng từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong bối cảnh đó, giải pháp duy nhất có tính bền vững vẫn là ngoại giao thực chất, một thỏa thuận hạt nhân mới với các điều khoản xác minh chặt chẽ, sự hiện diện trở lại của IAEA và lộ trình dỡ bỏ trừng phạt có điều kiện. Ngược lại, nếu các nước lớn tiếp tục chọn biện pháp quân sự thay cho đối thoại, họ không chỉ đẩy Iran đến bờ vực hạt nhân, mà còn gieo mầm cho một cuộc chạy đua hạt nhân giữa lòng Trung Đông.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Conversation, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/don-tan-cong-cua-israel-my-vao-co-so-hat-nhan-iran-dang-phan-tac-dung-post1214855.vov