Nhiều loại thuốc tân dược phổ thông bị đình chỉ lưu hành, thu hồi
Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ban hành Quyết định số 701 về việc thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc đang lưu hành trên thị trường. Trong số các loại thuốc bị đình chỉ lưu hành và thu hồi có nhiều sản phẩm thuốc tân dược rất thông dụng, được nhiều gia đình sử dụng rộng rãi nên đã gây tâm lý lo lắng cho người dân. Lý do khiến Cục Quản lý dược quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi là do chưa có đủ dữ liệu về tính an toàn, hiệu quả đối với những loại thuốc này.
Theo đó, có 15 loại thuốc nằm trong danh mục thu hồi giấy phép đăng ký lưu hành thuốc, đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc đang lưu hành trên thị trường; 88 loại thuốc nằm trong danh mục đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc đang lưu hành trên thị trường.
Đáng chú ý, có nhiều loại thuốc tân dược được các gia đình sử dụng thường xuyên và cho cả các bệnh nhi như Hapacol Flu Kids, viên cảm cúm Traflu ngày-đêm, siro ho Methorphan, thuốc ho Methorphan, Bé ho Mekophar, Thần kinh D3… Nhiều sản phẩm thuộc các doanh nghiệp dược phẩm lớn, có uy tín như Hậu Giang, Traphaco, Mekophar, Hà Tây, Nam Hà, Bắc Ninh…
Chị Nguyễn Thị Quỳnh, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Tôi rất lo lắng khi nghe thông tin thuốc Bé ho Mekophar nằm trong danh mục bị thu hồi. Loại thuốc này gia đình tôi thường xuyên sử dụng và hiện nay con tôi vẫn đang uống.
Lần nào đi mua thuốc, tôi cũng được nhân viên nhà thuốc kê Bé ho Mekophar, đây là loại thuốc ho phổ biến dành cho trẻ nhỏ và được bán hầu hết ở nhiều hiệu thuốc nên khi nghe thông tin thu hồi tôi rất bất ngờ”.
Tương tự, các loại thuốc như Hapacol Flu Kids, Traflu ngày-đêm… được nhiều gia đình mua về sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ khi cơ thể có triệu chứng ốm, mệt do cảm cúm. Các loại thuốc này đều quen thuộc với nhiều người dân và dễ mua ở các hiệu thuốc.
Tìm hiểu được biết, trong danh mục thuốc bị đình chỉ lưu hành, thu hồi có nhiều loại tân dược dành cho trẻ em được lưu hành từ năm 2018 như sản phẩm siro Canlax, Zikafix có công dụng giảm các triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng do thanh quản. Hay thuốc Kool Burst nighttime, Coldko, Cotussic được lưu hành từ năm 2008, 2015, 2017…
Điều này cho thấy, nhiều loại thuốc tân dược đã có mặt trên thị trường từ rất lâu, và được coi là những loại thuốc phổ thông do sử dụng rộng rãi trong nhân dân.
Ngày 14/12, theo ghi nhận của phóng viên, tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, do chưa kịp thời nắm bắt được thông tin, nhiều chủ cửa hàng thuốc tân dược vẫn bán các loại thuốc trên. Do là những thuốc điều trị ho, cảm cúm thông thường, nên các hiệu thuốc đều có khá đầy đủ các loại thuốc trong danh mục kể trên.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ y dược (Sở Y tế) Nguyễn Thị Kiều Anh cho biết: “Chúng tôi đã thông tin danh mục các loại thuốc tân dược nằm trong diện bị đình chỉ lưu hành, thu hồi cho các chi nhánh, doanh nghiệp phân phối thuốc trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, sẽ tăng cường nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp sớm thu hồi sản phẩm trên thị trường; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các nhà thuốc cố tình bán các sản phẩm không được phép lưu hành, thuộc diện phải thu hồi cho người dân.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y dược, mặc dù nằm trong danh mục bị đình chỉ, thu hồi, nhưng người dân không nên quá lo lắng và cho rằng các loại thuốc tân dược trên sẽ gây nguy hại đến sức khỏe của mình. Bởi thực tế, nhiều loại thuốc đã được lưu hành, đưa vào điều trị trong thời gian dài, nhưng chưa gây biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Mặt khác, các loại thuốc trên đều của các hãng dược lớn, có uy tín. Trước khi sản phẩm được cấp phép sản xuất, lưu hành trên thị trường phải trải qua quá trình nghiên cứu, kiểm định rất khắt khe của Bộ Y tế.
Việc rà soát, đánh giá chất lượng sản phẩm thuốc tân dược là nhiệm vụ chuyên môn, được Cục Quản lý dược thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân ở mức độ cao nhất.