Nhiều lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế (BHYT) là loại hình bảo hiểm trong chăm sóc sức khỏe do Nhà nước tổ chức, thực hiện không vì mục đích lợi nhuận.

Đồ họa thể hiện những lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế. (đồ họa: BẢO LỘC)

Đồ họa thể hiện những lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế. (đồ họa: BẢO LỘC)

Nhờ tham gia BHYT, nhiều người không may ốm đau, tai nạn, bệnh nhân nghèo, mắc các bệnh mạn tính, ung thư… có cơ hội điều trị bệnh lâu dài, được kéo dài sự sống, giảm đáng kể gánh nặng cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

* “Bùa hộ mệnh” những lúc ốm đau

Theo thống kê của cơ quan BHXH tỉnh, những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều người dân tham gia BHYT được quỹ khám, chữa bệnh BHYT chi trả hàng tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2019, toàn tỉnh có 20 trường hợp được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám, chữa bệnh từ 700 triệu đồng trở lên. Trong đó, có 7 trường hợp được thanh toán chi phí từ 1-2,1 tỷ đồng.

Cụ thể, trường hợp chị H.T.T.N. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bị bệnh bạch cầu dạng lympho, được quỹ BHYT chi trả số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Ông P.V.C. (ngụ xã Long Đức, H.Long Thành) bị ung thư gan và đường mật trong gan, được chi trả hơn 1,3 tỷ đồng. Ông N.Q.L. (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) bị bệnh liên quan đến mảnh ghép thận, được quỹ BHYT chi trả hơn 1,2 tỷ đồng. Ông P.K.D. (ngụ xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom) bị viêm phổi, không xác định vi sinh vật, được chi trả hơn 1,1 tỷ đồng; bé L.L.T. (ngụ P.Xuân Thanh, TP.Long Khánh) bị nhiễm trùng huyết, được chi trả hơn 1,1 tỷ đồng. Bà N.T.H. (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) bị ung thư vú, được chi trả hơn 1 tỷ đồng. Ông L.H.L. (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) bị bệnh máu khó đông được BHYT chi trả hơn 1,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có nhiều người dân tham gia BHYT khi không may mắc các bệnh như: suy tim, ung thư các loại, viêm tủy xương, viêm ruột, thiếu máu, viêm dạ dày xuất huyết cấp, tràn dịch màng phổi, đa tổn thương… cũng được quỹ BHYT chi trả số tiền khá lớn trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng với cơ quan BHXH.

Đồ họa thể hiện kết quả thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh từ năm 2016-2019 và 6 tháng đầu năm 2020. (đồ họa: HẠNH DUNG)

Đồ họa thể hiện kết quả thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh từ năm 2016-2019 và 6 tháng đầu năm 2020. (đồ họa: HẠNH DUNG)

Một trường hợp điển hình được quỹ khám, chữa bệnh BHYT chi trả với số tiền lớn nhất từ trước đến nay trong tỉnh là ông L.H.L. (ngụ xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu). Trong vòng 4 năm, từ 2016-2019, ông L. được quỹ BHYT chi trả tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng trong quá trình điều trị bệnh.

Ông L. cho biết, ông mắc bệnh máu khó đông (thiếu yếu tố VIII di truyền) từ 20 năm trước. Đây là một trong những bệnh lý phải điều trị kéo dài và tốn kém nhất hiện nay. Những năm đầu mắc bệnh, do chưa hiểu về BHYT nên ông L. chưa tham gia BHYT khiến kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ.

Mẹ ông L. nhớ lại: “Nhà có bao nhiêu tiền của đều dốc vào việc chữa trị, thuốc men cho con. Khi nhà hết tiền, tôi lại chạy vạy vay mượn khắp nơi, từ bà con hàng xóm đến anh em họ hàng, những người xung quanh. Nhưng mượn nhiều quá nên cũng không còn ai để mượn. Kinh tế gia đình ngày càng suy sụp, bản thân tôi không thể làm được công việc gì để có thu nhập vì thường xuyên phải túc trực ở bệnh viện cũng như ở nhà chăm lo cho con. Những ngày tháng trong bệnh viện, 2 mẹ con chỉ có gói mì chia làm tư để làm canh ăn qua ngày”.

Vài năm sau đó, ông L. được hỗ trợ thẻ BHYT dành cho đối tượng người khuyết tật nặng, được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Nhờ đó, ông L. được điều trị đều đặn tại bệnh viện, bệnh tình thuyên giảm nhiều, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm như: biến dạng khớp, teo cơ…

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ có thẻ bảo hiểm y tế điều trị tại bệnh viện. Ảnh:H. Dung

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ có thẻ bảo hiểm y tế điều trị tại bệnh viện. Ảnh:H. Dung

Ông L. bộc bạch: “Mỗi tháng tôi đến bệnh viện để điều trị một đợt, mỗi đợt từ 5-7 ngày. Số tiền điều trị cầm máu mỗi đợt khoảng 200-300 triệu đồng. Nếu bệnh có biến chứng thì các đợt điều trị kéo dài số ngày hơn và số tiền điều trị có khi lên tới hàng tỷ đồng. Nếu không được quỹ khám, chữa bệnh BHYT chi trả toàn bộ số tiền điều trị, tôi không biết mình có thể sống đến bây giờ hay không. Cũng nhờ có tham gia BHYT mà gia đình tôi cũng không còn phải trằn trọc, lo lắng, buồn khổ như trước nữa. Tôi thật sự rất biết ơn Nhà nước đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi và gia đình trong suốt những năm tháng qua”.

Bà Nguyễn Thị Quy, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho hay, ngoài hầu hết các dịch vụ thông thường trong khám, chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả với tỷ lệ từ 80-100%, hiện nay, nhiều kỹ thuật cao như đặt stent mạch vành chữa bệnh tim mạch, đặt máy tạo nhịp… nhiều loại thuốc đắt tiền cũng đã được quỹ BHYT chi trả. Qua đó, giảm được nhiều chi phí cho bệnh nhân khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

* Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho biết, những năm qua, bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân tại bệnh viện, từ khâu tiếp nhận, bố trí phòng khám đến nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận từ 4-6 ngàn lượt bệnh nhân đến khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú, hầu hết là bệnh nhân có thẻ BHYT, trong đó có rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, ung thư, phải điều trị lâu dài.

Các bệnh nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh điều trị lâu dài tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được bảo hiểm y tế chi trả. Ảnh: H.DUNG

Các bệnh nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh điều trị lâu dài tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được bảo hiểm y tế chi trả. Ảnh: H.DUNG

Còn theo BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, từ cuối năm 2017 đến nay, bệnh viện đã thực hiện 43 ca phẫu thuật tim hở và nội soi cho bệnh nhân mắc bệnh tim. Mỗi ca phẫu thuật tim có chi phí trung bình từ 100-200 triệu đồng, thậm chí lên tới 400 triệu đồng tùy thuộc vào các vật liệu sử dụng trong ca phẫu thuật. Đây là số tiền rất lớn đối với bệnh nhân vì hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh tim cần phẫu thuật tại bệnh viện là những người nghèo.

“Rất may cả 43 trường hợp đã phẫu thuật tim tại bệnh viện đều có thẻ BHYT đúng tuyến nên được quỹ BHYT chi trả số tiền từ 60-80 triệu đồng. Bệnh nhân chỉ phải trả từ 40-120 triệu đồng, bệnh nhân nào quá khó khăn, bệnh viện đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ để cuộc mổ diễn ra suôn sẻ, đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân, giảm gánh nặng cho gia đình” - BS Dũng chia sẻ.

Bà Đ.T.Q. (ngụ xã Trị An, H.Vĩnh Cửu), một trong số những bệnh nhân đã phẫu thuật tim hở thành công tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất nói: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều người lúc còn khỏe mạnh, chưa phải đi bệnh viện rất chủ quan về sức khỏe của mình nên không mua thẻ BHYT. Đến khi bất ngờ bị tai nạn hoặc ốm đau, vào bệnh viện mới thấy tiếc vì không tham gia BHYT sớm nên phải chi trả viện phí quá lớn. Bản thân tôi và những người trong gia đình năm nào cũng mua thẻ BHYT, nhờ tham gia BHYT mà tôi có cơ hội điều trị bệnh tim, được trở về với cuộc sống đời thường, có thể sinh hoạt, làm việc phụ giúp chồng nuôi con”.

Lãnh đạo nhiều cơ sở y tế trong tỉnh cho rằng, lợi ích của việc tham gia BHYT đối với bệnh nhân đã thấy rõ. Quy định về thông tuyến BHYT đối với các bệnh viện tuyến huyện cũng đem lại rất nhiều thuận lợi cho người dân. Người dân có quyền lựa chọn các bệnh viện hạng 3 trong toàn tỉnh, nơi nào có bác sĩ giỏi, thuận tiện trong việc di chuyển… để khám, chữa bệnh. Qua đó, bệnh viện cũng tự nhìn nhận và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Phó giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Quy cho hay, những năm qua, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh để đảm bảo việc khám, chữa bệnh BHYT của bệnh nhân theo đúng Luật BHYT.

Để thực hiện nghiêm Luật BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH Đồng Nai đã và đang rà soát kỹ việc ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh. Theo đó, các cơ sở này phải đảm bảo đủ điều kiện về bác sĩ có trình độ chuyên môn, cận lâm sàng… Bên cạnh đó, đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc rà soát, khắc phục tình trạng chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng không cần thiết, chỉ định thuốc, quy trình kỹ thuật chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế… Qua đó, tránh thất thoát, lãng phí quỹ BHYT, ảnh hưởng đến dự toán quỹ BHYT của các đơn vị.

Năm 2018, BHXH tỉnh Đồng Nai đã giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho hơn 7,1 triệu lượt người với số tiền gần 2,3 ngàn tỷ đồng. Năm 2019, đã thực hiện giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho trên 7,5 triệu lượt người với số tiền hơn 2,6 ngàn tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, đã thực hiện giám định chi phí khám, chữa bệnh cho gần 3 triệu lượt người với số tiền hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202007/nhan-ngay-bao-hiem-y-te-viet-nam-1-7-nhieu-loi-ich-khi-tham-gia-bao-hiem-y-te-3010686/