Nhiều lớp 10 vắng bóng âm nhạc, mỹ thuật
Do không có giáo viên nên nhiều trường quyết định không tổ chức dạy môn âm nhạc, mỹ thuật trong năm học 2022-2023.
Khi đưa môn nghệ thuật vào bậc THPT, thiếu giáo viên (GV) giảng dạy là bài toán khó của nhiều trường THPT tại TP.HCM. Vì thế, thực tế tại một số trường, bộ môn nghệ thuật hoàn toàn vắng bóng trong năm học này.
Thiếu GV nên “xin nợ” môn nghệ thuật
Tại Trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức), Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Anh cho biết do trường không có GV đủ điều kiện chuyên môn cho môn âm nhạc và mỹ thuật nên tạm thời năm học này, trường không triển khai. Thay vào đó, trường sẽ dạy cho học sinh (HS) các môn như công nghệ, tin học.
Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), năm nay có hơn 600 HS khối 10 với khoảng 16 lớp ở cả lớp chuyên, tích hợp và lớp thường. Trường đang nhận hồ sơ nhập học và đăng ký môn học từ ngày 12 đến 26-7.
Thực hiện chương trình mới, trường có đến chín tổ hợp môn để HS lựa chọn. Trong đó có sáu tổ hợp khối khoa học tự nhiên và ba tổ hợp khối khoa học xã hội (KHXH). Trong các môn tự chọn, ở nhóm môn công nghệ và nghệ thuật, trường chỉ tổ chức dạy hai môn công nghệ và tin học, hai môn trong môn nghệ thuật hoàn toàn không có ở bất kỳ tổ hợp nào. Lý do vì đội ngũ GV của trường không có chuyên môn dạy âm nhạc và mỹ thuật cho khối 10 nên không thể triển khai.
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình) đang chờ sau khi HS đăng ký học âm nhạc và mỹ thuật mới có kế hoạch cụ thể.
Còn với Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), trong tổ hợp để HS lựa chọn có hai môn này nhưng theo lãnh đạo trường, qua hai ngày tư vấn, không có phụ huynh và HS nào lựa chọn môn học này. Hiện trường cũng chưa có GV giảng dạy bộ môn này, việc tổ chức dạy cũng khó vì đòi hỏi có phòng ốc, trang thiết bị. Do đó, trường cũng đang chờ sau khi HS đăng ký mới có kế hoạch cụ thể, nếu ít HS đăng ký hoặc không có nguồn GV, trường sẽ không tổ chức.
Năm học 2022-2023, HS khối 10 trên cả nước sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Thay vì học 13 môn bắt buộc như chương trình hiện hành, chương trình mới ở cấp THPT sẽ có tám môn học và hoạt động bắt buộc.
Hợp đồng với GV ngoài
Trong khi đó, một số trường khác lại hợp đồng với GV ngoài hoặc giảng viên đại học để giải bài toán về việc thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sáng 14-7, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) tổ chức họp để tư vấn cho phụ huynh, HS về việc lựa chọn tổ hợp môn.
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm nay khối 10 có 15 lớp với 680 HS. Các lớp học được tổ chức theo bốn nhóm ngành gồm: Khoa học công nghệ STEM, khoa học công nghệ STEAM, KHXH, KHXH - nghệ thuật.
Đối với các HS chọn nhóm ngành KHXH - nghệ thuật, ngoài học các môn bắt buộc và môn chuyên đề, HS sẽ được học một trong hai môn âm nhạc và mỹ thuật. Theo bà Thủy, cơ cấu GV các môn này không có sẵn nên trường sẽ mời các GV hợp đồng về dạy. Đặc biệt, các cụm trường bàn với nhau sẽ mời chung các GV hợp đồng để sắp xếp lịch thuận tiện cho GV được dạy ở nhiều trường.
Tại Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), ông Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay năm nay trường tuyển 836 HS khối 10. Nhà trường dự kiến tổ chức 14 nhóm tổ hợp để HS lựa chọn. Vào Chủ nhật tuần này (ngày 17-7), trường sẽ tổ chức họp phụ huynh HS khối 10 để phổ biến về chương trình mới cũng như tư vấn về cách lựa chọn tổ hợp môn. Mỗi HS sẽ được lựa chọn ba nguyện vọng, nguyện vọng ưu tiên sẽ được xếp trước.
Ngày 13-7, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) tổ chức tư vấn cho HS về việc lựa chọn các tổ hợp môn. Trong đó, hai môn âm nhạc, mỹ thuật đã xuất hiện trong các tổ hợp môn tự chọn của trường.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: “Nhà trường sẽ tổ chức dạy hai môn này. Bởi trước đây trường có dạy âm nhạc song song buổi hai, chủ yếu đàn guitar vì trường công khó có kinh phí để mua đàn piano về dạy cho các em. Trong khi đó, môn mỹ thuật sẽ tập trung vào những kiến thức cơ bản ở lớp 10, lớp 11 sẽ đi chuyên sâu về kiến trúc, thiết kế thời trang theo nguyện vọng của mỗi em”.•
Khắc phục từng bước
Nếu HS có lựa chọn môn âm nhạc, mỹ thuật nhiều thì một số trường sẽ gặp khó khăn về đội ngũ GV. Về vấn đề này, Sở GD&ĐT đã liên hệ với các đơn vị đào tạo mở lớp bồi dưỡng. Bên cạnh đó, sở đã có chỉ đạo các phòng GD&ĐT rà soát GV có chuyên môn để giới thiệu cho các trường THPT. Sở cũng hướng dẫn các đơn vị khối THPT liên hệ với Phòng GD&ĐT các quận, huyện để cùng chia sẻ GV. Tuy nhiên, việc thực hiện bộ môn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất thiếu nhân sự, hơn nữa trường phải có cơ sở vật chất và trang thiết bị. Do đó, một số trường chưa đủ điều kiện thì hiện nay từng bước xây dựng kế hoạch để triển khai trong những năm học kế tiếp.
Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị để tạo nguồn cho những năm học tiếp theo. Hơn nữa, sau một năm thực hiện, sở sẽ rà soát việc triển khai tại các trường về bộ môn này để có hướng hỗ trợ các trường.
Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-lop-10-vang-bong-am-nhac-my-thuat-post689195.html