Nhiều mặt hàng nhanh chóng bước vào 'câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô'
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng xuất khẩu của sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện bình quân giai đoạn 2011-2021 là 27,3%. Mặt hàng xuất khẩu này đã nhanh chóng bước vào 'câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô'.
Tại Việt Nam, hầu hết các hãng điện tử lớn sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao trên thế giới như: Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display… đã có mặt từ nhiều năm. Theo đó, sản phẩm điện tử xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng.
Tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ hai của Việt Nam kể từ năm 2019 đến nay.
Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã tăng gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay (2016 chiếm 10,7%; 2017 chiếm 12,2%; 2018 chiếm 12,1%; 2019 chiếm 13,7%, sơ bộ 2020 chiếm 15,8% và ước tính năm 2021 chiếm 15,2%).
Năm 2021, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ hai trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam.
Tốc độ tăng lần lượt các năm trong giai đoạn 2011-2021 là: 2011 tăng 29,9%; năm 2012 tăng 68,4%; năm 2013 tăng 35,5%; năm 2014 tăng 7,5%; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 ước tính tăng 14,4%. Bình quân cả giai đoạn 2011-2021 tăng 27,3%.
Quý I năm 2022, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 13,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc trong đó xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện sang Hoa Kỳ tăng mạnh tới 17,2%, đạt gần 3 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê cho rằng, đây là một ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đạt được những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài và đóng vai trò lớn trong xuất khẩu. Tuy vậy, kết quả này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI.
“Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp”- đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.
Do đó, Tổng cục Thống kê cho rằng cần hướng tới hoạt động xuất khẩu bền vững nhóm hàng này thông qua sự quan tâm đầu tư, ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam…