Nhiều mặt hàng nông sản tăng trưởng cả về giá trị và sản lượng trong quý I

Quý I/2025, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng trước áp lực khó khăn, thách thức rất lớn của tình hình quốc tế và khu vực. Mặc dù vậy, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong quý I/2025 đạt được những kết quả rất tích cực với giá trị kim ngạch thu được 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Đó là những thông tin được Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ với báo chí về những kết quả đạt được của ngành trong quý I tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngày 1/4.

Những kết quả tích cực

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 3 năm 2025 của Việt Nam ước đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 549,5 triệu USD, tăng 19,6%; giá trị xuất khẩu muối đạt 2,3 triệu USD, tăng 2,4 lần.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2% năm 2024.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2% năm 2024.

Đánh giá về kết quả đạt được trong quý I/2025 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định mặt hàng nông sản xuất khẩu có những mặt hàng tăng về sản lượng nhưng giảm về giá trị. Tuy nhiên, có những mặt hàng tăng cả về giá trị và sản lượng.

Cụ thể, với mặt hàng cà-phê, quý I/2025, xuất khẩu đạt 509,5 nghìn tấn và 2,88 tỷ USD, giảm 12,9% về khối lượng nhưng tăng 49,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Giá cà-phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.656 USD/tấn, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đức, Italia và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 16,2%, 9,9% và 7,4%.

Với mặt hàng cao su, khối lượng xuất khẩu quý I/2025 ước đạt 396,1 nghìn tấn và 765,8 triệu USD, giảm 4,4% về khối lượng nhưng tăng 26,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Giá cao su xuất khẩu bình quân quý I/2025 ước đạt 1.933,3 USD/tấn, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 73,7%. Hai thị trường lớn tiếp theo là Ấn Độ và Indonesia có thị phần lần lượt là 3,8% và 3,2%.

Xuất khẩu cao su quý I giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu cao su quý I giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Giá trị xuất khẩu thủy sản quý I/2025 đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 21,7%, 15,6% và 15,1%.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm 2025 đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,6%.

Khối lượng xuất khẩu hồ tiêu quý I/2025 đạt 47,3 nghìn tấn và 323,6 triệu USD, giảm 16,7% về khối lượng nhưng tăng 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6.845,4 USD/tấn, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2024. Hoa Kỳ, Đức và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 24,4%, 10,4% và 6,7%.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong quý I/2025, xuất khẩu rau quả có bị ảnh hưởng và giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, vẫn đạt được kết quả 1,14 tỷ USD.

Mặt hàng rau, quả của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm 44,5%. Hai thị trường xuất khẩu rau, quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tỷ trọng giá trị xuất khẩu lần lượt là 9,6% và 6%.

“Với mặt hàng gạo, quý I/2025 xuất khẩu đạt 2,2 triệu tấn và 1,14 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng nhưng giảm 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2024”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Xuất khẩu gạo tăng nhẹ về số lượng nhưng giảm về giá trị so với cùng kỳ 2024.

Xuất khẩu gạo tăng nhẹ về số lượng nhưng giảm về giá trị so với cùng kỳ 2024.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ thêm: "Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai chương trình tái cơ cấu. Trong mỗi lần tái cơ cấu lại là một lần ngành nông lâm thủy sản bám sát thị trường, gắn với truy xuất nguồn gốc, gắn với kinh tế xanh, gắn với các tiêu chí và yêu cầu của các thị trường. Do vậy, sản lượng và giá trị xuất khẩu của chúng ta liên tục tăng trong thời gian qua”.

Tập trung giải quyết những vấn đề về xuất khẩu hải sản

Đối với vấn đề hải sản Việt Nam có nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay Cục Quản lý đại dương và khí quyển (Bộ Thương mại Hoa Kỳ - NOAA) vừa ra thông báo về phán quyết sơ bộ không công nhận tương đồng các biện pháp quản lý và bảo tồn thú biển của Việt Nam đối với 12 nghề khai thác hải sản.

Với phán quyết này, nhiều loại thủy sản đánh bắt của Việt Nam sẽ nằm trong diện bị ảnh hưởng, có thể kể đến như cá ngừ, cá kiếm, mực, cá thu, cá mú, cá hồng và cua-những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ thông tin về việc Cục Quản lý đại dương và khí quyển (Bộ Thương mại Hoa Kỳ - NOAA) vừa ra thông báo về phán quyết sơ bộ không công nhận tương đồng các biện pháp quản lý và bảo tồn thú biển của Việt Nam đối với 12 nghề khai thác hải sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ thông tin về việc Cục Quản lý đại dương và khí quyển (Bộ Thương mại Hoa Kỳ - NOAA) vừa ra thông báo về phán quyết sơ bộ không công nhận tương đồng các biện pháp quản lý và bảo tồn thú biển của Việt Nam đối với 12 nghề khai thác hải sản.

Ông Tiến cho rằng: Lý do được phía Hoa Kỳ đưa ra thông báo trên là do họ chưa có sự bảo đảm mang tính chắc chắn rằng Việt Nam triển khai các giải pháp hạn chế gây sát thương hoặc đánh bắt không có chủ ý đối với các loài thú biển và không bảo đảm sự tương thích đối với những biện pháp, quy định của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đưa ra thông báo trên là do họ chưa có sự bảo đảm mang tính chắc chắn rằng Việt Nam triển khai các giải pháp hạn chế gây sát thương hoặc đánh bắt không có chủ ý đối với các loài thú biển và không bảo đảm sự tương thích đối với những biện pháp, quy định của Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường, Phùng Đức Tiến.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp và môi trường nhận định Hoa Kỳ đánh giá, Việt Nam mới chỉ dự kiến một số giải pháp nhằm giám sát thú biển bị đánh bắt chứ chưa ban hành quy định cụ thể.

“Phía Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam khẩn trương bổ sung bằng chứng và tiến độ thực hiện quản lý đối với thủy sản đánh bắt trên cơ sở bảo đảm tương thích với quy định của Hoa Kỳ trước tháng 4/2025. Sau đó, Hoa Kỳ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 30/11/2025”, ông Tiến nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Cần ưu tiên giải quyết ngay vấn đề về MMPA đối với hải sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Cần ưu tiên giải quyết ngay vấn đề về MMPA đối với hải sản.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu Hoa Kỳ tiếp tục giữ nguyên kết luận như phán quyết sơ bộ, các loại thủy sản đánh bắt có nguồn gốc từ 12 nghề khai thác hải sản không được công nhận tương thích sẽ bị cấm xuất khẩu sang Hoa Kỳ kể từ năm 2026.

“Về việc này, chúng ta cũng đã có những bước chuẩn bị triển khai một số giải pháp trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hệ thống quy định bảo vệ thú biển, đồng thời triển khai thu thập và cung cấp đầy đủ bằng chứng về tiến độ thực hiện các biện pháp quản lý để đáp ứng yêu cầu của NOAA. Bảo đảm có thể đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ, không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Ông Tiến cũng cho biết, mới đây, đoàn của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) sang Triển lãm Hải sản Bắc Mỹ tại Boston (Hoa Kỳ), đàm phán với NOAA và họ đã đồng ý kéo dài việc bổ sung bằng chứng và tiến độ thực hiện quản lý đối với thủy sản đánh bắt trên cơ sở bảo đảm tương thích với quy định của Hoa Kỳ trước tháng 7/2025.

“Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,8 tỷ USD năm 2024, vì vậy, cần ưu tiên giải quyết ngay vấn đề về MMPA”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhieu-mat-hang-nong-san-tang-truong-ca-ve-gia-tri-va-san-luong-trong-quy-i-post869341.html