Nhiều mặt hàng xuất khẩu 'về đích' sớm, rục rịch đặt mục tiêu cao hơn cho năm sau

Các mặt hàng chủ lực như điện tử, máy tính và linh kiện, dệt may, thủy sản, rau quả,... đều đã 'về đích' sớm khi kim ngạch xuất khẩu 11 tháng vượt mức cả năm 2023. Một số ngành đã đặt mục tiêu cho năm sau tiếp tục cao hơn năm trước và lên kế hoạch thực hiện.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng đã “về đích” sớm với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng vượt mức cả năm 2023.

Xuất khẩu tôm 11 tháng của năm 2024 mang về gần 3,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm 11 tháng của năm 2024 mang về gần 3,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tất cả các mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn đều đã vượt mức xuất khẩu của cả năm 2023. Thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, vượt 2,2% so với cả năm 2023. Rau quả đạt 6,6 tỷ USD, vượt 18,2%. Gạo đạt 5,3 tỷ USD, vượt 13,4%. Cà phê đạt 4,9 tỷ USD, vượt 16,3%. Hạt điều đạt 4 tỷ USD, vượt 9,2%. Hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD, vượt 33,7%. Chè đạt 235 triệu USD, vượt 12,9%.

Ngoài ra, các mặt hàng chủ lực khác cũng đều vượt mức xuất khẩu của cả năm 2023: Hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 65,2 tỷ USD, vượt 13,8%; dệt may đạt 33,7 tỷ USD, vượt 1%; giày, dép đạt 20,8 tỷ USD, vượt 2,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,7 tỷ USD, vượt 9,1%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 6,1 tỷ USD, vượt 17,2%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ đạt 3 tỷ USD, vượt 19,1%; hóa chất đạt 2,5 tỷ USD, vượt 5,3%; chất dẻo nguyên liệu đạt 2,5 tỷ USD, vượt 13,1%...

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, kinh tế thế giới đã khởi sắc hơn năm 2023, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng giảm khiến nhu cầu thế giới tăng lên. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất giúp xuất khẩu của Việt Nam đạt kết quả tích cực: "Các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay ở thời điểm còn khó khăn để sẵn sàng đón nhận cơ hội; khi nhu cầu thế giới tăng trở lại trong năm nay, doanh nghiệp lập tức đẩy mạnh xuất khẩu".

Dự báo về xuất khẩu trong tháng cuối cùng của năm 2024 còn nhiều khó khăn, rủi ro từ các yếu tố khách quan nhưng xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang nỗ lực về đích đồng thời hướng tới những kỷ lục mới.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều đại diện hiệp hội, ngành nghề đã đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng xuất khẩu 2025.

Tại Hội nghị tổng kết 2024 và Kỷ niệm 25 năm thành lập, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, định hướng năm 2025, ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47- 48 tỷ USD, phát triển thêm 90 - 100 hội viên mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là yếu tố cốt lõi đã được xác định để ngành dệt may đạt được mục tiêu.

Với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, năm 2025 ngành da giày tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD.

Theo bà từ giờ đến cuối năm đơn hàng tiếp tục ổn định, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025. Bối cảnh thị trường năm 2025 không có nhiều thay đổi so với năm 2024. Đơn hàng không quá khó khăn nhưng doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao.

Với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, triển vọng năm 2025 của xuất khẩu thủy sản rất khả quan, với tăng trưởng sẽ từ 10-15%. Tiền đề cho tăng trưởng đó là các tín hiệu tốt từ thị trường, chính sách tín dụng ưu đãi cho thủy sản và lâm sản. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong năm tới. Năm 2024, xuất khẩu thủy sản dự kiến về đích với 10 tỷ USD, tăng 10,3%.

“Đạt được giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD có sự đóng góp lớn của mặt hàng tôm khi mang về 4 tỷ USD, tăng gần 17% so với năm 2023. Tiếp đó là Việt Nam đã tận dụng tốt hạn hạn ngạch để xuất khẩu cá ngừ sang EU”, ông Nam nhận định.

Triển vọng xuất khẩu rau quả năm 2025 cũng được dự báo sẽ khả quan, nhờ nhiều chủng loại trái cây của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào nhiều thị trường. Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với quả chanh dây tươi. Dự kiến sau khi quá trình này hoàn thành, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vào năm 2025.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đưa ra dự báo xuất khẩu rau, quả sẽ thu về 8 tỷ USD năm 2025. Các mặt hàng mới ký nghị định thư với Trung Quốc như trái dừa tươi hay sầu riêng đông lạnh sẽ phát huy hiệu quả trong năm tới.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhieu-mat-hang-xuat-khau-ve-dich-som-ruc-rich-dat-muc-tieu-cao-hon-cho-nam-sau-1104259.html