Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả ở Đông Hòa

Nông dân phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa với mô hình trồng chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Thời gian qua, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), hội nông dân các cấp ở TX Đông Hòa đã khuyến khích và hỗ trợ hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành những mô hình mới nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế gia đình. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng hành hỗ trợ hội viên

Theo Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa Trần Duy Ngọc, xác định thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua SXKDG là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, hội đã chủ động phối hợp với các ban ngành có liên quan đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề, cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thực hiện hiệu quả các mô hình chuyên canh, đa canh tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ mà chọn mô hình chuyển đổi phù hợp.

Để giúp hội viên có vốn sản xuất, hội đã phối hợp với ngành Ngân hàng tổ chức tốt việc tín chấp cho nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích trong sản xuất. Nhiều hội viên, nông dân sau khi được vay vốn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Từ năm 2019 đến nay, thông qua Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác, hội đã tín chấp cho hơn 17.000 lượt hộ vay với số tiền hơn 265 tỉ đồng; giải ngân gần 1,6 tỉ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã, xét cho vay 14 dự án với 58 hộ vay; đồng thời lập 5 dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội và Tỉnh hội với số tiền 2,1 tỉ đồng phân bổ tại các xã Hòa Xuân Đông, Hòa Tân Đông và các phường Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung.

Ông Trần Duy Ngọc cho biết thêm: “Ngoài việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện Đề án 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, đến nay hội đã thành lập được 3 tổ hợp tác và 14 chi, tổ hội nghề nghiệp với 232 hội viên; xây dựng đề án Quỹ Hỗ trợ nông dân TX Đông Hòa giai đoạn 2017-2025; đồng thời đã chuyển đổi gần 500ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác như sen, diệp hạ châu, đậu phộng, dưa hấu... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Nhiều mô hình hiệu quả

Từ phong trào thi đua, hiện có nhiều hội viên nông dân ở TX Đông Hòa đầu tư phát triển các mô hình nông, lâm, ngư theo hướng bền vững và cho thu nhập khá. Tại phường Hòa Xuân Tây, trước đây, cây lúa chiếm thế độc canh, cây sen chỉ được trồng thành các khóm nhỏ trong các ao, hồ, các khu đồng trũng, thì hiện nay nhiều hộ dân trong xã đã đưa cây sen vào trồng trên đất lúa với tổng diện tích gần 100ha (trong đó chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả 70ha).

Gia đình ông Lương Ngọc Đại là một trong những hộ dân điển hình trồng sen ở phường Hòa Xuân Tây. Ông Đại cho biết: “Thấy các ao, đầm, bầu ở địa phương bị bỏ hoang rất lãng phí nên sau khi tìm hiểu kỹ thuật trồng sen, tôi mua sen giống về trồng. Không ngờ sau khi xuống giống, cây sen chịu đất, chịu nước xứ mình nên phát triển tốt, ra hoa đều. Vì vậy, tôi tiếp tục thuê thêm ao, đầm bỏ hoang ở địa phương để mở rộng diện tích trồng sen. Hiện gia đình tôi có gần 4ha sen đang bước vào kỳ thu hoạch rộ, bình quân mỗi ngày thu khoảng 350kg gương sen tươi, bán với giá 13.000 đồng/kg và được thương lái đến tận nhà thu mua”.

Nhiều năm trước đây, từ một hộ nông dân nghèo chẳng biết làm gì hơn ngoài việc làm thuê, gặt mướn, nhưng với ý chí và nghị lực, gia đình ông Nguyễn Văn Toàn ở xã Hòa Tân Đông đã vươn lên thoát nghèo từ việc trồng lúa kết hợp chăn nuôi, trồng rừng, xen canh các loại cây ăn trái và hoa màu. Đến nay, mô hình vườn, chuồng, rừng kết hợp với buôn bán nhỏ lẻ, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. “Để có được kết quả như ngày hôm nay, bên cạnh sự cố gắng vươn lên của bản thân, còn có sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, ngành, nhất là hội nông dân đã tạo điều kiện để tôi được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất”, ông Toàn chia sẻ.

“Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKDG theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, hội sẽ tập trung vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm; phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày; tiếp tục chuyển đổi những diện tích trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, đạt năng suất và giá trị sản phẩm cao; khôi phục và thúc đẩy các làng nghề truyền thống sản xuất theo hướng hàng hóa; mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới kinh doanh dịch vụ đa ngành nghề. Đồng thời tích cực tham gia hưởng ứng thi đua phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh về mọi mặt”, ông Trần Duy Ngọc khẳng định.

Sau 3 năm thực hiện Phong trào nông dân thi đua SXKDG giai đoạn (2019-2021), nhờ sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân, phong trào ngày càng được nhân rộng và phát triển. Đến nay, toàn thị xã có 9.300 hộ nông dân SXKDG các cấp, trong đó cấp trung ương 56 hộ; cấp tỉnh 405 hộ, cấp thị xã 2.095 hộ và cấp cơ sở 6.744 hộ.

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/277887/nhieu-mo-hinh-chuyen-doi-cay-trong-vat-nuoi-hieu-qua-o-dong-hoa.html