Nhiều mô hình cựu chiến binh làm giàu ở Đức Trọng
Đến thăm gia đình cựu chiến binh (CCB) Đỗ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Lâm Đồng, thành viên Câu lạc bộ CCB làm kinh tế thuộc Hội CCB huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), chúng tôi vô cùng ấn tượng với mô hình làm kinh tế đa năng của gia đình ông. Trong khuôn viên khá rộng có nhà máy chế biến phân bón trung vi lượng khoáng thiên nhiên, một đàn gà tây hơn 100 con đang kỳ đẻ trứng, cùng đàn heo gần 40 con to tròn, béo mũm.
Gần đó là những con chồn, nhím, dúi, chim trĩ 7 màu và một hồ cá Koi khoảng 50m2... Tổng thu nhập từ các mô hình sản xuất, kinh doanh kết hợp của gia đình ông mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng.
CCB Đỗ Xuân Hưng chia sẻ: "Nhiều năm nay, tôi thử nghiệm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt không chỉ với mục đích phát triển kinh tế gia đình mà còn tích lũy kinh nghiệm để hướng dẫn, truyền đạt kỹ thuật cho đồng đội và các hộ dân. Mình phải tiên phong làm trước thì mới biết cách giúp đỡ, hướng dẫn cho các hội viên và bà con nghèo vươn lên làm giàu hiệu quả".
Cũng tham gia quản lý, điều hành một HTX, CCB Phạm Ngọc Tổng (ngụ tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú là người năng động, đổi mới, nghĩa tình. Phương thức, ngành nghề hoạt động của HTX Thương Phú là dịch vụ trồng trọt, cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ sau thu hoạch, lâm nghiệp và các hoạt động khác có liên quan. Riêng trồng trọt, Giám đốc Phạm Ngọc Tổng định hướng cho các thành viên của HTX canh tác theo chuỗi sản xuất, tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP. HTX chủ động trang bị kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật và giống, vốn để tạo thuận lợi cho hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
CCB Phạm Ngọc Tổng cho biết: "Chúng tôi có nhiều mô hình trồng trọt, nhưng mô hình trồng chuối Laba là một thế mạnh, được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên, mỗi năm, bảo đảm thu hoạch từ 3 đến 4 buồng/cây, năng suất cao gấp 3 lần thông thường. Đối với hội viên mới, hội viên khó khăn và hộ nông dân nghèo, ngoài giúp đỡ kỹ thuật, tôi còn hỗ trợ cây giống, sau một năm mới hoàn trả vốn”...
Theo báo cáo của Hội CCB huyện Đức Trọng, hiện tại, Câu lạc bộ CCB làm kinh tế có 58 thành viên, với 16 doanh nghiệp, 2 HTX, 2 tổ hợp tác, 46 trang trại... Ngoài ra, còn 17 gia trại và 73 hộ kinh doanh dịch vụ. Tổng số lao động thu hút gần 500 người, thu nhập bình quân 6-8,5 triệu đồng/người/tháng. Để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức giao lưu, tọa đàm, tặng quà, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, con giống, cây trồng cho hội viên CCB nghèo. Ngoài ra, Câu lạc bộ còn ủng hộ các quỹ vì người nghèo; tặng quà gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh; tham gia hoạt động thiện nguyện tại địa phương và tích cực quảng bá sản phẩm, thương hiệu; liên kết để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên...
Ông Nguyễn Thành Đô, Phó chủ tịch Hội CCB huyện Đức Trọng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB làm kinh tế, chia sẻ: "Từ khi thành lập (7-2019) đến nay, hoạt động của Câu lạc bộ luôn gắn với phong trào CCB gương mẫu và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Câu lạc bộ tích cực vận động ủng hộ, tặng quà, tặng nhà nghĩa tình đồng đội và nhiều vật dụng khác cho hội viên khó khăn, hộ nghèo. Gần đây, chúng tôi còn triển khai các hoạt động kết nối doanh nghiệp, HTX để đưa hội viên đi tham quan, học tập mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình bền vững”.