Nhiều mô hình hay trong thực hiện Nghị quyết 29 tại Điện Biên
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tỉnh Điện Biên đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo.
Sáng ngày 22/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ/TW, ngày 4/11/2013, của BCH Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Với những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, 30 tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc đã được UBND tỉnh Điện Biên biểu dương, khen thưởng.
Bám sát chỉ đạo cấp trên và điều kiện thực tiễn tại địa phương, quá trình thực hiện Nghị quyết 29 ở Điện Biên đã nhận được sự đồng thuận của đại đa số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân dân.
Thực hiện nghị quyết, ngành Giáo dục Điện Biên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị trường học, phục vụ đổi mới hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá học sinh, hồ sơ điện tử… Xây dựng và triển khai hiệu quả các sáng kiến, chuyên đề, mô hình giáo dục tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục.
Tiêu biểu, ở cấp học mầm non đã xây dựng và triển khai mô hình xã hội hóa giáo dục trong việc tổ chức ăn trưa cho trẻ tại trường. Huy động sự tham gia đóng góp của phụ huynh, các cá nhân, tổ chức xã hội từ thiện hỗ trợ kinh phí. Mô hình này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, học 2 buổi/ngày…
Đối với cấp tiểu học, trung học, hiệu quả từ các mô hình giáo dục đã giúp học sinh phát triển cả về nhận thức, kiến thức, kỹ năng hoạt động thực tiễn. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo đúng tinh thần nghị quyết.
Đến nay, 100% trường tiểu học, trung học tại địa phương triển khai hiệu quả các mô hình: “Không gian trường học an toàn, sáng tạo hiệu quả”, “An toàn giao thông”, “Thư viện thân thiện”, “Xây dựng bài học giáo dục STEM trong chương trình Giáo dục phổ thông”, “Tăng cường nghe, nói tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”, sinh hoạt chuyên môn cụm trường, liên cấp... Các câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc… Mô hình “Cây từ vựng tiếng Việt” tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt tại 100% cấp tiểu học.
Ngoài ra, địa phương cũng có nhiều sáng kiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực, giúp ngành Giáo dục khắc phục, giải quyết nhiều khó khăn đặc thù. Cụ thể như Mô hình nhà 3 cứng (triển khai xây dựng các phòng học, nhà công vụ, nhà nội trú). Mô hình bán trú dân nuôi tạo cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa có điều kiện ăn, ở và học tập tại trường. Qua đó, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Cường đã nhấn mạnh, ghi nhận các kết quả đáng khích lệ trong thực hiện nghị quyết, nhất là những mô, hình, cách làm hay cần được biểu dương. Ông Trần Quốc Cường cũng chỉ ra một số hạn chế sau 10 năm thực hiện nghị quyết cần được khắc phục.
Đặc biệt là việc chưa thành lập được trường THPT tại trung tâm một số cụm xã; mở rộng và nâng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú; cơ sở vật chất trường, lớp học còn thiếu so với yêu cầu; khó khăn về nguồn tuyển giáo viên tiểu học, giáo viên ở một số môn chuyên biệt khi triển khai Chương trình GDPT mới…