Nhiều mô hình hay về phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nông thôn
Sáng tạo, đổi mới trong xây dựng các mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ, bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp hội phụ nữ Thủ đô đã có nhiều cách làm hay, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Đó là các mô hình như “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường/tuyến phố bích họa, nở hoa do phụ nữ tự quản”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “Sạch đồng ruộng”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần”, “Thùng rác thân thiện”, gần đây là các mô hình “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”; “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”… Đặc biệt, đã có nhiều phương pháp phân loại, xử lý rác thải tại nguồn được người dân hưởng ứng và ứng dụng hiệu quả.
Chia sẻ tại tọa đàm “Vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường”, bà Lê Thị Huế, trưởng thôn Nghĩa Vũ, Xã Dục Tú, huyện Đông Anh cho biết, thôn Nghĩa Vũ có 257 hộ gia đình với 974 nhân khẩu. Khối lượng chất thải phát sinh 1000 kg/ngày. Trước đây, người dân có thói quen xả rác lẫn lộn, một số hộ gia đình diện tích nhà chật hẹp, không có chỗ để xử lý rác hoặc có tâm lý “ngại” phân loại rác. Tuy nhiên, thôn đã tuyên truyền, vận động người dân dùng phương pháp ủ phân hữu cơ tại nhà.
Thôn còn lập nhóm nòng cốt triển khai mô hình, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc người dân. Ban đầu có 10 hộ nòng cốt, đến tháng 12/2021 có 150 hộ. Người dân đã đào hố ủ phân hữu cơ trong vườn đối với hộ có diện tích đất rộng, còn đối với hộ gia đình chật hẹp, người dân gom rác hữu cơ và ủ vào thùng lớn trong khu dân cư (ngõ, xóm).
Với cách làm này đã giảm 30-50% lượng rác/hộ, tần suất đổ rác giảm, chỉ cần đổ rác 2-3 ngày/lần thay vì hàng ngày như trước đây. Các hộ gia đình đã có thói quen phân loại và xử lý rác hữu cơ. 100% người tham gia có phản hồi tích cực và nhận thấy hiệu quả giảm rác, giảm phân bón phải mua khi trồng cây xanh. Đến nay huyện Đông Anh có 24 xã, thị trấn triển khai phân loại và ủ phân hữu cơ.
Mỗi ngày huyện Gia Lâm phát sinh gần 250 tấn rác thải sinh hoạt. Phần lớn lượng rác này phải tập kết tạm thời tại các chân điểm rác vài ngày mà không được vận chuyển đi xử lý kịp thời, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là đóng góp hữu ích vào công cuộc bảo vệ môi trường, tái chế và tạo ra nguồn nguyên liệu hữu cơ cho sản xuất phân bón, giúp giảm 50% lượng rác cần thu gom, vận chuyển; đồng thời giảm thiểu ô nhiễm không khí do rác hữu cơ phân hủy...
Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Gia Lâm còn tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường và văn minh đô thị. Một số đơn vị có sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện như mô hình “Đường hoa tái chế từ rác thải nhựa” tại xã Lệ Chi, mô hình “Ban công xanh - ban công nở hoa” tại xã Ninh Hiệp, thị trấn Trâu Quỳ, xã Yên Viên; xây dựng điểm mô hình “Nhà văn hóa sáng - xanh - sạch - đẹp - kiểu mẫu” tại thôn Kim Quan, xã Yên Viên,...
22/22 Hội Phụ nữ các xã, thị trấn duy trì nề nếp hoạt động tổng vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng cảnh quan không gian sống xanh, sạch, đẹp và chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện mô hình “Đưa rác thải đến với hành trình sống xanh”, “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh và sản phẩm thân thiện với môi trường”.
Bà Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về bảo vệ môi trường, từ đó tự giác chấp hành nghiêm chỉnh về giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn trong sản xuất…Vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sin trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, hài hòa, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần có sự chỉ đạo đồng bộ công tác phối hợp của các ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường để huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác giữ gìn, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống…
Tại huyện Sóc Sơn, nhiều mô hình xử lý rác thải cũng đã được triển khai hiệu quả. Thực hiện đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình, khởi nghiệp từ rác”, huyện Sóc Sơn đã lựa chọn xã Đông Xuân và xã Phú Cường là 2 đơn vị làm thí điểm xây dựng và triển khai kế hoạch liên tịch thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng chế phẩm IMO4.
Từ các mô hình hay triển khai ở nhiều cấp hội phụ nữ trên địa bàn Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cho biết, xuất phát từ nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ và tổ chức hội phụ nữ trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của thành phố Hà Nội, trong nhiều năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ. Nổi bật là các cấp hội phụ nữ toàn Thành phố đã sáng tạo, đổi mới các phương thức truyền thông nâng cao nhận thức; xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Lâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết: Từ tháng 4/2021, rác thải hữu cơ sau khi được xử lý qua chế phẩm IMO4 các hộ gia đình dùng tưới cây, làm phân bón cho cây trồng tại vườn nhà, bón ruộng hoặc làm thức ăn chăn nuôi (gà, vịt, lợn) tùy theo điều kiện của từng gia đình. Từ cuối tháng 4/2021 đến cuối năm 2021 đã có 70 gia đình hội viên đã biết cách phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình và duy trì thường xuyên, xã đã tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình ra 100% chi bộ thôn và các Hội đoàn thể.
Xã Đông Xuân đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, mặt trận tổ quốc và các hội đoàn thể thực hiện đề án. Xã đã tập huấn cho lãnh đạo thôn, trưởng phó các đoàn thể, hội viên phụ nữ, đại diện hộ gia đình nhận diện và phân biệt rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, phương pháp phân loại rác; cách thức sử dụng chế phẩm IMO4 để khử mùi hôi thối của rác và xử lý rác thải thải hữu cơ thành nguồn phân bón cho cây trồng; cách thức khử mùi hôi thối chuồng trại, cách thực xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ... bằng chế phẩm IMO4; cách thức tạo ra chế phẩm IMO4, cách thức nhân bản chế phẩm IMO4.
Sau khi tổ chức tập huấn tập trung, xã đã lập danh sách hộ gia đình trong thôn theo ngõ, nhóm, phân công thành tổ. Mỗi tổ trưởng, tổ phó phụ trách từ 10 - 15 hộ gia đình và chịu trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp người dân tại nhà. Đến nay xã đã có 10/10 thôn trên địa bàn xã đã và đang triển khai thực hiện, khoảng 700 hộ dân được hướng dẫn trực tiếp và biết cách thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà; đồng thời biết cách sử dụng chế phẩm IMO4 vào mục đích gia đình mình (chăn nuôi, làm thức ăn chăn nuôi, khử mùi hôi thối chuồng trại, xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ...).