Nhiều mô hình hiệu quả từ phong trào thi đua tại Thành phố Hồ Chí Minh
Sáng 5/4, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2021 và phát động phong trào thi đua yêu nước yêu nước năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự và phát biểu ý kiến.
Tại Hội nghị, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021, từ tháng 4, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động nghiêm trọng nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng… nhưng thành phố vẫn bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép (vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế) do Chính phủ phát động, trong đó, các phong trào thi đua tiếp tục đạt được những kết quả thuận lợi, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực.
Cụ thể, với phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Chính phủ phát động, trong tâm dịch, Thành phố đã nỗ lực vượt khó để cơ bản hoàn thành việc tiêm liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên. Thành phố hiện đạt 16,3 triệu mũi; xây dựng kế hoạch tái cấu trúc các bệnh viện nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Công tác chăm lo an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả khi triển khai hàng loạt mô hình an sinh (Gian hàng 0 đồng, ATM gạo, Chợ nghĩa tình) trong dịch để phân phối và hỗ trợ người dân, tổ chức trong thời gian Thành phố giãn cách xã hội do dịch.
Ngoài đội ngũ y, bác sĩ, quân đội tham gia tuyến đầu chống dịch, Thành phố cũng đã huy động hơn 2.200 cán bộ, công chức, viên chức… và gần 150 nghìn đoàn viên, hội viên tham gia chống dịch tại “hậu phương”.
Đối với các phòng trào thi đua khác do Chính phủ phát động như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” cũng đạt được những kết quả khả quan, bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Riêng đối 10 phong trào thi đua do Thành phố phát động, nổi bật có các phong trào như: “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19”, “Phong trào thi đua 90 ngày phòng, chống dịch Covid-19”… đều đạt được những kết quả khả quan góp phần đồng hành cùng Thành phố đẩy lùi dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh gợi ý một số vấn đề, thời gian tới, phong trào thi đua, công tác khen thưởng sẽ không chỉ dừng lại ở các phong trào, bề nổi mà phải thấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động để khích lệ tinh thần tự giác, nỗ lực vượt qua chính mình. Phong trào thi đua phải ngày càng thiết thực, cụ thể, gắn với lợi ích cá nhân và cộng đồng.
Năm 2022, công tác thi đua phải thể hiện sự khát vọng, ý chí quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn Thành phố trên cơ sở bám sát các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra nhằm đưa Thành phố sớm hồi phục nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trên các lĩnh vực.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh, trong các phong trào thi đua, công tác thi đua vai trò nêu gương của các cấp ủy, người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng. Công tác này là động lực chính trị để các đơn vị, địa phương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở đơn vị mình.
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ban Tổ chức đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho 2 tập thể; Huân chương Lao động hạng Nhì cho 1 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 6 tập thể, 6 cá nhân vì đã có những đóng góp xuất sắc trong công tác chuyên môn; công tác phòng, chống dịch, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng trao tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 50 cá nhân; tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc cho 1 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng trao tặng Cờ thi đua cho 8 tập thể; bằng khen cho 121 cá nhân…