Nhiều mô hình kinh tế giúp người dân huyện biên giới thoát nghèo
Để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, Hội Cựu chiến binh huyện biên giới Đăk Glei đã triển khai nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa.
Hộ khá giả hỗ trợ hộ nghèo
Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đăk Glei (Kon Tum) có 2.886 hội viên với 2.451 hộ hội viên, trong đó hơn 93% hộ hội viên DTTS. Trong số này 489 hộ gia đình hội viên nghèo, cận nghèo (337 hộ nghèo, 152 hộ cận nghèo), đa số là hộ hội viên DTTS.
Mong muốn người dân có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo, Hội CCB huyện đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Ông Nghiêm Minh Hiệu – Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đăk Glei cho biết, thời gian qua địa phương luôn chỉ đạo sát sao hội CCB cơ sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện của địa phương mà có phương án hướng dẫn chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp; xây dựng mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi gắn với thực hiện Cuộc vận động.
Theo ông Hiệu, trong quá trình triển khai, Hội CCB huyện Đăk Glei đã tổ chức được 65 buổi tuyên truyền, thu hút 2.577 lượt cán bộ, hội viên CCB và người dân tham gia. Cùng với đó, các cấp Hội CCB trên địa bàn đã xây dựng mô hình phát triển làm kinh tế mang lại hiệu quả, như: mô hình chăn nuôi lợn, gà vịt, nuôi dê cỏ sinh sản, trồng sâm Ngọc Linh... Từ đó thu hút hơn 40 hộ hội viên đồng bào DTTS tham gia.
“Hội CCB còn vận động cán bộ, hộ hội viên có mức sống khá và cơ quan, doanh nghiệp… ủng hộ tiền mặt hoặc cây – con giống. Từ đó, hỗ trợ phần nào, tiếp thêm động lực để những hộ khó khăn có cơ hội vươn lên thoát nghèo”, ông Hiệu nói.
Với sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hội viên CCB người DTTS trên địa bàn huyện đã tích cực mở rộng sản xuất, học hỏi, áp dụng các mô hình, khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang các loại có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi
Từ một hộ thuộc diện khó khăn tại địa phương, mấy năm qua nhờ tham gia vào các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Hội CCB tổ chức, anh A Chánh (trú thôn Đăk Poi, thị trấn Đăk Glei) cuộc sống gia đình anh dần đổi thay.
Với mô hình vườn-ao-chuồng của gia đình anh A Chánh, gồm: đàn gà 150 con, 1,5 ha trồng cao su, 0,2ha trồng mít, 0,3ha ao cá thì đàn gà đã cho thu nhập, còn lại đang trong quá trình phát triển tốt.
“Cứ theo đà phát triển thuận lợi như hiện nay, mỗi năm mô hình này cho gia đình thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng. Qua đó, cuộc sống của gia đình sẽ bớt khó khăn hơn”, anh A Chánh nói.
Tương tự, trước kia gia đình anh A Thuật (trú thôn Đông Lốc, xã Đăk Man) vô cùng khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào cây mì, lúa. Sau khi tham gia lớp tập huấn của Hội CCB về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, anh đã tham gia vào mô hình nuôi dê cỏ sinh sản. Tại đây anh được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhận biết và phòng các bệnh ở dê… Đồng thời, anh cũng được Hội CCB huyện hỗ trợ 6 triệu đồng, anh vay mượn thêm 9 triệu nữa để mua 5 con dê cỏ về nuôi. Hiện cả đàn phát triển tốt, 4 con cái đều đang mang thai nên có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đăk Glei - Nghiêm Minh Hiệu cho hay, Cuộc vận động đã tác động đến nhận thức và hành động giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm của hội viên DTTS nghèo và cận nghèo. Đến nay có khoảng 1.602 hộ cán bộ, hội viên CCB biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hội viên nghèo, cận nghèo trên địa bàn giảm mạnh.
Theo ông Hiệu, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo hội cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền hội viên xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu. Cùng với đó vận động hội viên DTTS nghèo và cận nghèo tham gia phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương nhằm vươn lên thoát nghèo.