Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả
Tại buổi Tọa đàm về hoạt động của các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ chiều qua, 21.4, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND được chia sẻ như: Ứng dụng mô hình 'phòng họp không giấy' trong tổ chức cuộc họp; nâng cấp ứng dụng hồ sơ công việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh... Theo các đại biểu, để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND ngày càng hiệu quả, Thường trực HĐND phải mạnh dạn, quyết tâm trong triển khai thực hiện.
Buổi tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức tại tỉnh Bình Dương. Phó Trưởng Ban công tác đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng chủ trì buổi tọa đàm.
Tham gia ngay từ đầu với cơ quan chuyên môn
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng nhấn mạnh, buổi tọa đàm nhằm trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời tìm giải pháp để tiếp tục phát huy hiệu quả đạt được, khắc phục hạn chế, vướng mắc để hoạt động của các Ban, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh ngày càng tốt hơn. Buổi tọa đàm tập trung vào 3 nội dung: Kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh; mối quan hệ công tác giữa các Ban HĐND với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND.
Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm, Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Hà Hải cho biết, nhằm khắc phục tình trạng nội dung chưa thống nhất, Văn phòng và các Ban HĐND thực hiện phương châm tham gia ngay từ đầu với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh cụ thể ở các khâu: Thống nhất danh mục nghị quyết trình hàng năm; cùng thẩm tra, tham mưu Thường trực HĐND cho chủ trương xây dựng nghị quyết, nếu có nội dung chưa phù hợp thì đề nghị điều chỉnh ngay. Bên cạnh đó, báo cáo xin ý kiến Thường trực HĐND ngay khi phát sinh những nội dung chưa thống nhất. Chỉnh sửa dự thảo nghị quyết ngay sau khi thẩm tra, bảo đảm đến phiên họp Thường trực HĐND trước kỳ họp thì hầu hết các dự thảo nghị quyết đã được hoàn chỉnh.
Ông Lê Hà Hải nhấn mạnh, với phương châm làm việc đoàn kết, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, thẳng thắn tranh luận, không ngại va chạm, sử dụng công nghệ thông tin thường xuyên nên rất nhanh để đi đến thống nhất nội dung đúng nhất, phù hợp nhất. Qua đó, khắc phục gần như 100% tình trạng chưa thống nhất nội dung giữa UBND tỉnh và HĐND tỉnh; bảo đảm nhanh, kịp thời (nhất là các nghị quyết về phòng chống dịch bệnh, các dự án đầu tư quan trọng của tỉnh thời gian qua). Đặc biệt, chất lượng nghị quyết được nâng cao rõ rệt, đúng quy định và phù hợp thực tế. Chính vì phối hợp tốt, nhanh gọn ngay từ đầu nên sau khi kỳ họp HĐND kết thúc, chỉ trong vòng 2 ngày nghị quyết của HĐND đã được ký và ban hành.
Ảnh: Nhật Trường
Mạnh dạn, quyết tâm trong triển khai
Tại buổi tọa đàm, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đã được các đại biểu chia sẻ như: Ứng dụng mô hình “phòng họp không giấy” trong tổ chức cuộc họp; gửi và phản hồi các văn bản; nâng cấp ứng dụng hồ sơ công việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh...
Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Long An Nguyễn Thị Hồng Phúc, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động HĐND tỉnh đã được Long An thực hiện từ tháng 7.2019 và tiếp tục được thực hiện đến nay. Đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Long An tiếp tục xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND tỉnh là khâu quan trọng, đột phá trong tổ chức và hoạt động của HĐND. “Đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ yêu cầu đổi mới hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phù hợp với xu hướng phát triển chung của tỉnh”, bà Phúc nhấn mạnh.
Theo đó, HĐND tỉnh Long An đã trang bị máy tính bảng cho từng đại biểu mới đắc cử; khuyến khích đại biểu tái cử tiếp tục sử dụng máy tính bảng đã được cấp trước đó. Đồng thời, giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, VNPT Long An thực hiện phần mềm Ecabinet để thực hiện “kỳ họp không giấy”. Trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên hoạt động của HĐND tỉnh vẫn cơ bản được bảo đảm, nhất là tổ chức các kỳ họp của HĐND.
Để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND ngày càng hiệu quả, chất lượng, HĐND tỉnh Long An cho rằng cần mạnh dạn, quyết tâm trong triển khai thực hiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn chưa quen nên có tâm lý "ngại". Do đó, Thường trực HĐND phải mạnh dạn, quyết tâm thì mới triển khai thực hiện được. Để thực hiện được việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, đơn vị. Trong đó, có Thường trực HĐND tỉnh, Sở Thông tin - Truyền thông, VNPT, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Đồng thời, khi triển khai thực hiện, cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để việc triển khai, thực hiện đạt hiệu quả cao.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hoạt động phối hợp giữa Văn phòng với các Ban HĐND, nhất là đối với các tỉnh, thành áp dụng mô hình văn phòng chung. Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng đánh giá cao đại diện Văn phòng, các Ban HĐND các tỉnh, thành phố tham dự đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết từ kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, nêu bật những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tại địa phương. Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các ý kiến để Ban Công tác đại biểu xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.