'Nhiều nạn nhân trong đường dây mua bán người trở về bị kỳ thị, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù'
Nhiều nạn nhân trong đường dây mua bán người trở về với những sang chấn về tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù hoặc khi về địa phương bị kỳ thị, xa lánh rất cần được hỗ trợ tâm lý…
Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2012) đến nay, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố là 1.744 vụ với 3.059 bị can (các vụ án về mua bán người đều được Viện kiểm sát kiểm sát theo quy định, đạt tỉ lệ 100%). Từ năm 2012 đến tháng 2/2023 đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Theo Bộ Công an, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập. Luật có một số quy định không bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta; Các quy định cụ thể của Luật Phòng, chống mua bán người chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến mua bán người;
Các căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để họ hưởng các chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí thực hiện tiếp nhận nạn nhân bị mua bán.
Đặc biệt, chế độ hỗ trợ nạn nhân theo quy định hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn. Luật chỉ quy định nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trong khi nhiều nạn nhân thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho cơ quan chức năng hoặc khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý…
Hơn nữa, chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng, trong khi đó các quy định về trình tự, thủ tục nhận hỗ trợ chưa được quy định cụ thể trong Luật nên áp dụng chưa thống nhất….
Trong khi đó, những người đang trong thời gian xác minh là nạn nhân cần phải được hưởng một số chế độ hỗ trợ thiết yếu (ăn, mặc, ở, y tế, chi phí đi lại; hỗ trợ tâm lý…) và thực tiễn các cơ quan chức năng đã tổ chức hỗ trợ các đối tượng này nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện các chế độ…
Những tồn tại, khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống mua bán người. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới – Bộ Công an nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi gồm 8 chương, 62 điều (tăng 4 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011), trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 5 điều, bỏ 1 điều.